Chương trình Dấu ấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (TECHFEST và WHISE 2021) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Ngoại giao, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và gần 20 quốc gia trên thế giới. Tham dự chương trình còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức, tập đoàn, cá nhân, mạng lưới uy tín hỗ trợ khởi nghiệp.
Chương trình Dấu ấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu hướng tới: Gợi mở tư duy, gợi mở những sáng kiến mới, có tính chất mở, hợp tác, liên kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thúc đẩy hình thành các startup với hàm lượng công nghệ cao từ khối viện, trường, và gợi ý chính sách nhằm hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. TECHFEST 2021 thắt chặt sợi dây liên kết không biên giới giữa con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và khát vọng Việt Nam.
Với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, TECHFEST Việt Nam đã trở thành nền tảng kết nối uy tín, kêu gọi nhiều thành phần khác nhau cùng tham gia với cơ chế cộng đồng đánh giá hiệu quả hoạt động. Mô hình tổ chức mở và đồng hành cùng các làng công nghệ hướng tới phát huy nguồn lực xã hội hoá. TECHFEST 2021 đã thích ứng linh hoạt với hơn 120 sự kiện dưới cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, quy tụ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các đơn vị hỗ trợ, chuyên gia, nhà đầu tư trên 16 lĩnh vực công nghệ/các khía cạnh liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo trong nước cũng như quốc tế. Các chuỗi sự kiện đã thu hút khoảng 2.500.000 lượt tham dự, quy tụ hơn 500 diễn giả trong nước và quốc tế tham dự.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, KHCN và đổi mới sáng tạo cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng và chống đại dịch, đồng thời, cũng được ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển môi trường “bình thường mới”. Đây cũng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, trong bối cảnh bình thường mới này, các sáng kiến, giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong giải quyết những vấn đề của kinh tế xã hội trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của dân tộc Việt Nam, mà đại diện là thế hệ trẻ. Khởi nghiệp sáng tạo qua đó cũng đã tạo được nhiều dấu ấn đáng tự hào. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tăng cao chưa từng thấy. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (cao nhất từ trước tới nay). Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có tăng trưởng tốt về số lượng, cụ thể, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Một trong những điểm nổi bật của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. Việc thiết lập được Mạng lưới hỗ trợ và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ là những tiền đề quan trọng để mở rộng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, để kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khác trong khu vực và thế giới.
Đây là thời điểm để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Hệ sinh thái không chỉ là môi trường, mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đưa ra 4 vấn đề trong thời gian tới.
Thứ nhất, hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần chủ động, tích cực trở thành đối tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ.
Thứ hai, tăng cường và phát triển hoạt động liên kết trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế; thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ, đầu tư cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Thứ ba, mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các start-up, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm đổi mới sáng tạo.
Thứ tư, chúng ta hãy cùng chung tay phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở quốc gia; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái theo mô hình mở; kết nối các dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái trên cùng một nền tảng, chia sẻ thông tin, dữ liệu để phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia./.
Theo VOV.VN