Thủ tướng: Chậm nhất 31/12 phải tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên

Thủ tướng khẳng định hiện nay đã đủ vaccine để tiêm nên nhắc lại yêu cầu chậm nhất 31/12 phải tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên...

 

Sáng 10/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương có Bí thư thành ủy, tỉnh ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc họp trực tuyến với 63 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này là cuộc họp phiên thứ 10 sau khi kiện toàn Ban Chỉ đạo. Mấy ngày nay, diễn biến dịch phức tạp, có nhiều ca mắc cộng đồng, ca chuyển nặng và ca tử vong. Do đó Ban Chỉ đạo họp để đánh giá, nhìn nhận lại tình hình kể từ cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 20/11 đến nay, qua đó phân tích nguyên nhân, xác định nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu để triển khai thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị cuộc họp này cần thảo luận tập trung vào 8 nhóm công việc trọng tâm, cần đưa ra giải pháp cụ thể, trên tinh thần đó, bảo đảm thống nhất từ các Ban Chỉ đạo các tỉnh, các huyện đến xã về mục tiêu, lộ trình; công tác phòng, chống dịch cần phải làm chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, phù hợp, hiệu quả; Phân tích nguyên nhân các ca mắc trong cộng đồng; qua 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 có kinh nghiệm và bài học quý gì để chia sẻ với cả nước, cần bổ sung điều gì?

Thủ tướng nhấn mạnh phải có lộ trình cụ thể để tiếp tục lộ trình mở cửa.

Thủ tướng khẳng định hiện nay đã đủ vaccine để tiêm nên nhắc lại yêu cầu chậm nhất 31/12 phải tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 cho các đối tượng cần phải tiêm, phải có lộ trình cụ thể để tiếp tục lộ trình mở cửa.

Thủ tướng đề nghị các địa phương báo cáo tình hình y tế dự phòng, y tế cơ sở, thuốc điều trị có đủ sử dụng không, cần tăng cường cái gì? Việc mở lại đường bay quốc tế như thế nào để đảm bảo an toàn. Các địa phương có phương án chuẩn bị tuyên truyền tăng cường nâng cao ý thức của người dân, quản lý người dân trong đợt tết dương lịch và âm lịch như thế nào để được an toàn. Phải đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội cần triển khai thế nào...

Số mắc trong cộng đồng tăng 10%

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 40 tỉnh, thành phố). Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

Trong tuần, cả nước ghi nhận thêm 100.254 ca mắc mới trong đó có 57.538 ca cộng đồng, chiếm 57% số mắc mới. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 10%, số tử vong tăng 24,3%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%.

Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm chủng vaccine do thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới; bên cạnh đó, có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số đơn vị, người dân trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch sau một thời gian dài nới lỏng giãn cách xã hội.

Đến ngày 08/12/2021, có 55 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất, giao thông... Trong đó, kế hoạch của 33 tỉnh, thành phố đã quy định các biện pháp hành chính cho 4 cấp độ dịch; kế hoạch của 22 tỉnh, thành phố chỉ quy định biện pháp hành chính cho cấp độ dịch hiện tại trên địa bàn. Hiện chưa nhận được Kế hoạch của 8 tỉnh gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Ninh Bình.

Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Hiện có 846 xã, phường cấp độ 3 - nguy cơ cao (chiếm 8,0% số xã, phường cả nước); 218 xã, phường cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (2,1%); so với tuần trước đó, tăng 211 xã, phường cấp độ 3, giảm 15 xã, phường cấp độ 4./.

Vũ Khuyên/VOV
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận