Hơn 25.000 đảng viên suy thoái, 'tự diễn biến' đã bị xử lý, kỷ luật

Bà Trương Thị Mai cho biết, trong số hơn 15.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều nhất là 'đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín, dị đoan'.

 

Sáng 9/12, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hơn 1.600 đảng viên tham ô, tham nhũng, tiếp tay tiêu cực... trong 5 năm

Báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, từ năm 2016-2020, có 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Trong giai đoạn này, có hơn 2.200 đảng viên gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc; sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.

Cũng theo báo cáo, từ năm 2016 - 2020, có hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật. Đó là các đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống; suy thoái về tư tưởng chính trị; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trình bày báo cáo tại hội nghị.

Về suy thoái đạo đức, lối sống, bà Mai cho biết, trong số hơn 15.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều nhất là “đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín, dị đoan", ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Về suy thoái tư tưởng chính trị, trong số gần 8.300 đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều nhất là không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả.... Bên cạnh đó, 477 đảng viên nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu...

Về yêu cầu của tình hình mới, theo bà Trương Thị Mai, đến nay, 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra từ năm 1994, tại Đại hội giữa nhiệm kỳ khoá VI vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt như: vẫn tụt hậu xa về kinh tế, vẫn đối mặt với nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và tệ quan liêu, "diễn biến hoà bình".

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đồng thời kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

“Kết luận số 21 là quyết tâm chính trị cao, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm xây dựng Đảng toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng” - bà Trương Thị Mai nói.

Kịp thời kiểm điểm trách nhiệm khi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, suy thoái

Trình bày Kế hoạch số 03 về thực hiện Kết luận 21-KL/TW, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, một trong các nhiệm vụ trọng tâm đó là thực hiện nghiêm việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, biểu hiện lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" thì cấp uỷ cấp trên phải kịp thời xem xét, gợi ý, chỉ đạo cấp uỷ cấp dưới kiểm điểm làm rõ trách nhiệm; xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Đồng thời chú trọng kiểm tra, giám sát việc sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của cấp ủy cấp dưới và tổ chức, cá nhân liên quan (thực hiện hàng năm, từ năm 2021).

“Tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo theo quy định, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư; trong Quốc hội khoá XV đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn” - bà Trương Thị Mai nói.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác, theo bà Mai đó là giữ vững nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tính chiến đấu trong sinh hoạt cấp ủy, thường vụ cấp ủy và tổ chức Đảng; khắc phục tình trạng chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, mất đoàn kết, nể nang, né tránh, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, lợi ích nhóm. Cùng với đó là kiểm soát quyền lực và phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ.

Thực hiện có hiệu quả chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; chủ trương bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt trong phải là người địa phương (từ năm 2022).

“Tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách, tài sản Nhà nước, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm, khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản thất thoát; thực hiện có hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...” - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận