Hà Nội phấn đấu năm 2022 GRDP tăng từ 7,0-7,5%

Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 của TP.Hà Nội gồm 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó GRDP tăng từ 7,0-7,5%, GRDP/người: 139-141 triệu đồng...

 

Sáng 7/12, tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải trình bày báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2022 của thành phố Hà Nội.

Bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng

Báo cáo đánh giá, năm 2021 trong bối cảnh khó khăn vì dịch COVID-19, đã hoàn thành 16/23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng. Đáng chú ý Thành phố đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch và an sinh xã hội; Đảm bảo cân đối NSNN; hoàn thành vượt 2,7% so với dự toán thu ngân sách Trung ương giao; đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch COVID-19, chi hỗ trợ người lao động và đổi tượng sử dụng lao động, chi đảm bảo an sinh xã hội.

Ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá (Giá trị gia tăng ước tăng 2,8- 3,0%), tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Ngành công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, tăng trưởng được phục hồi (Giá trị gia tăng ước tăng 5,1-5,5% - tương đương mức tăng năm 2020); Cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường được kiểm soát.

Ông Hải cũng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, Thành phố vẫn đảm bảo được an ninh chính trị, trật tự xã hội; duy trì được trật tự giao thông và trật tự và cảnh quan đô thị (giải quyết được 6/37 điểm ùn tắc giao thông, 19/27 điểm đen về tai nạn giao thông); đảm bảo cung ứng các dịch vụ đô thị và nhu cầu thiết yếu cho người dân... Đảm bảo an sinh xã hội, huy động cộng đồng tham gia chăm lo gia đình chính sách và hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19…

Bên cạnh kết quả đạt được, Thành phố nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đáng chú ý, lĩnh vực kinh tế có 4 chi tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch: GRDP tăng 2,35- 3,0% (KH là 7,5%; cả nước ước tăng 3,0-3,5%; TP HCM ước giảm 5%); Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm 0,52% (KH tăng 12%); Kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2% (KH tăng 5%). Nguyên nhân chủ yếu là giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19, dịch vụ (chiếm trên 63% GRDP) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó: Khách du lịch tiếp tục giảm sâu 47%; Giá trị gia tăng dịch vụ lưu trú và ăn uống ước giảm 17,3- 19,2%; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước giảm 17,4-18,4%... đã kéo GRDP quý III giảm sâu và tăng trưởng cả năm đạt thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, không đạt mục tiêu để ra. Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại; giá thức ăn chăn nuôi tăng; giá thịt hơi không ổn định... đã ảnh hưởng đến người chăn nuôi và kế hoạch tái đàn lợn. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh...

Lĩnh vực quản lý, phát triển đô thị, nông thôn, tiến độ lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm. Chưa hoàn thành phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống. Công tác xác định, thu nghĩa vụ tài chính về đất đai còn chậm; tiến độ giao đất dịch vụ, cấp Giấy chứng nhận đất đai kết quả chưa cao. Tình trạng dự án chậm GPMB, chậm tiến độ, nhà đầu tư chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng để triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng vẫn còn tồn tại. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất, danh mục thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và công tác hậu kiểm các dự án được giao đất chưa quyết liệt.

Công tác cải cách hành chính, hết tháng 10/2021 nhiều nhiệm vụ đề ra đầu năm bị chậm so với yêu cầu (chiếm 33,6%), có 6 nhiệm vụ dừng thực hiện.

UBND thành phố đánh giá, bên cạnh những nguyên nhân nội tại của kinh tế Thủ đô, nguyên nhân khách quan là do dịch bệnh COVID-19 kéo dài,Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài. Đồng thời, một số chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gây; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển... tăng; nhà quản lý, người lao động, nhà thầu nước ngoài, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư, đầu tư công bị gián đoạn; dòng vốn FDI phục hồi chậm...

Nguyên nhân chủ quan chủ yếu do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu quyết liệt, chưa nắm chắc tình hình; năng lực một bộ phận cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế, né tránh, sợ trách nhiệm; việc thực hiện các biện pháp, hướng dẫn của Trung ương về phòng, chống dịch, lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất an toàn chưa nghiêm, chưa nhất quán, chưa linh hoạt; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn phiền hà.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội sáng 7/12.

Phấn đấu GRDP năm 2022 tăng từ 7,0-7,5%

Về chỉ tiêu chủ yếu năm 2022, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gồm 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng từ 7,0-7,5% (Chỉ tiêu cả nước là 6,0-6,5%); GRDP/người: 139-141 triệu đồng (Khoảng 6.000 USD; Chỉ tiêu cả nước là 3.600 USD); Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội: 10%...

Để đạt mục tiêu kế hoạch, Hà Nội đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế về các giải pháp phòng chống dịch COVID-19. Xây dựng và thực hiện nghiêm Tiêu chí thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong các ngành, lĩnh vực. Ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiếm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế du phòng, nhất là về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời mở rộng tiêm vaccine cho trẻ em từ đầu năm 2022... và nhiều giải pháp đồng bộ khác.

UBND thành phố Hà Nội cũng xác định tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; triển khai thực hiện Để án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đấy mạnh phát triển dịch vụ vận tải, logistics. Trình trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đường Vành đai 4. Vận hành, khai thác hiệu quả, an toàn tuyến đường sắt số 2A; đưa vào khai thác, vận hành tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội. Mở rộng vùng phục vụ, hợp lý hóa mạng lưới các tuyến xe buýt, đa dạng hóa phương tiện xe buýt, bố trí hợp lý luồng vận tải hành khách liên tỉnh phù hợp với nhu cầu và hướng tuyến; phấn đấu vận tải hành khách công cộng phục vụ 21,5-23%.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục sắp sếp tổ chức bộ máy, tăng cường kỷ cương hành chính; Phê duyệt Đề án vị trí việc làm các đơn vị thuộc Thành phố, sắp xếp các chi cục, đơn vị sự nghiệp thuộc một số sở ngành; Rà soát các văn bản, quy định của Thành phố nhằm khắc phục các bất cập, trùng chéo trong các văn bản quy phạm; Hoàn thiện các quy trình phổi hợp liên ngành, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính.../.

Đ.Hưng/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận