Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, chỉ tập trung quy định các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định.
Sáng 6/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, các đại biểu đề nghị làm rõ quy định với nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc người nhiễm Covid-19. Trong đó có quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài được cấp chứng chỉ tham gia khám, chữa bệnh điều trị Covid, mà không cần có chứng chỉ hành nghề ở Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng nếu quy định như vậy sẽ liên quan nhiều ngành như ngoại vụ, quân sự, y tế… Do đó cần quy định rõ điều này trong dự thảo Nghị quyết.
“Về trách nhiệm của người nước ngoài tham gia khám chữa bệnh điều trị Covid tại Việt Nam nên giao cho Giám đốc Sở Y tế. Đối với cơ sở thu dung điều trị do nhà nước thành lập thì người đứng đầu chịu trách nhiệm. Như vậy chặt chẽ hơn", bà Lan đề nghị.
Liên quan đến thuốc và nguyên liệu làm thuốc điều trị Covid-19, thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý đề nghị làm rõ việc “cấp phép nhanh” cần có thời gian cụ thể, tránh xung đột trong cách hiểu. Bên cạnh đó, ông Quý đặt vấn đề, giấy phép đăng ký lưu hành có khác so với mọi giấy phép lưu hành khác.
Ủng hộ việc cho phép người dân tự lấy bệnh phẩm để làm xét nghiệm, Giáo sư Nguyễn Anh Trí, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị phải sử dụng loại xét nghiệm mới, đủ độ nhạy, tốt, thường xuyên đổi mới, cập nhật test, thuốc tốt, tiện dụng.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết chỉ tập trung quy định các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định. Tiếp tục rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Theo VOV.VN