Tiêu cực, tham nhũng có thể xuất hiện ở các giai đoạn tố tụng
Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng VKSND tối cao gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 hồi tháng 10 vừa qua cho biết, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý điều tra 46 vụ/61 bị can, trong đó có 24 vụ/30 bị can về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp (chiếm hơn 52%); đã xử lý, giải quyết 33 vụ/40 bị can, đạt tỷ lệ gần 72%.
Tuy số vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp ít hơn so với các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế nhưng tính chất, mức độ và hậu quả của nó rất nghiêm trọng. Bởi vì chủ thể của loại tội phạm này là những người được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng họ đã có hành vi xâm phạm trực tiếp đến quyền con người, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.
Theo ông Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam), tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp có thể xuất hiện ở các giai đoạn tố tụng.
Trong đó, ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử có các biểu hiện tiêu cực như: bức cung, nhục hình; làm sai lệch hồ sơ vụ án; lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi; tha trái pháp luật người đang bị giam giữ; để lọt tội phạm...
“Chưa có vụ án nào mà tòa tuyên bố điều tra lại về việc có hay không có việc bức cung, nhục hình đối với bị cáo. Dư luận dường như cũng tin rằng, hiện tượng bức cung, nhục hình ở trại tạm giam trước khi ra tòa không phải là không có. Đó là một biểu hiện tiêu cực, vi phạm trong hoạt động tư pháp. Biểu hiện đó xuất phát từ một số yếu tố, một là không có sự minh bạch khi lấy khẩu cung ở trại tạm giam, vai trò của luật sư dù có nhưng thực tế trong quá trình thẩm vấn, lấy cung lại gặp nhiều cản trở, hạn chế. Thậm chí có cuộc lấy cung không có mặt của luật sư” - ông Hoàng Ngọc Giao cho biết.
Không chỉ có tiêu cực trong quá trình hỏi cung, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp còn được nhận diện ở hiện tượng “chạy án”. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều khâu, “chạy” ở khâu điều tra để kết luận điều tra nhẹ tội; “chạy” ở Viện kiểm sát để làm sao tội danh áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn; “chạy” ở tòa án để làm sao án ở mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc thay đổi tội danh để hưởng mức án nhẹ. Kể cả trong thi hành án hình sự cũng có thể có tiêu cực để làm sao được ân xá, đặc xá.
Cải cách quy trình, thủ tục tố tụng tư pháp đảm bảo dân chủ, minh bạch
Dẫn chứng lại việc HĐXX giám đốc thẩm TAND Cấp cao đã tuyên hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với Phan Sào Nam (1 trong 2 người cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ Rikvip), buộc phải chấp hành bản án trở lại, ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội luật gia TP Hải Phòng cho rằng, xung quanh vụ việc này, dư luận đang chờ cơ quan chức năng làm rõ những tiêu cực trong những quyết định tha tha tù trước hạn. Bởi việc tha tù trước thời hạn khi không đủ điều kiện, không có căn cứ pháp luật rõ ràng là biểu hiện tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Theo Chủ tịch Hội luật gia TP Hải Phòng, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp hiện nay phức tạp và khó phát hiện vì chủ thể của hành vi là người có thẩm quyền hoặc có liên quan đến hoạt động tư pháp, nắm rất rõ luật, nhưng trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã cố tình hoặc vô ý xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, xã hội.
“Có một số nơi đã xảy ra tiêu cực, tham nhũng, cần phải xử lý nghiêm minh những trường hợp này. Vì những tiêu cực này đều liên quan đến người thực thi công vụ, họ là những người nắm rất rõ luật, đại diện cho công lý nhưng lại vi phạm pháp luật thì hình thức xử lý kỷ luật phải cao hơn những người khác” - ông Trần Ngọc Vinh cho biết.
Ðể phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp đạt hiệu quả, theo Chủ tịch Hội luật gia TP Hải Phòng, cần hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Ngoài quy định xử lý kỷ luật nghiêm minh, chế tài nặng thì cũng cần nghiên cứu để cán bộ tư pháp có chế độ đãi ngộ tốt thì họ sẽ không dễ dàng đánh đổi lợi ích đang có để tham nhũng.
Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Ngọc Giao cho rằng, một yếu tố quan trọng để hạn chế hành vi tham nhũng, tiêu cực, bị tha hóa bởi đồng tiền trong hoạt động tư pháp đó là phải tính đến câu chuyện thu nhập, đời sống của cán bộ cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án. Cùng với cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức là cải cách các quy trình, thủ tục tố tụng tư pháp, thể chế đảm bảo dân chủ, minh bạch, nghiêm minh để cán bộ không dám tham nhũng. Bên cạnh đó là có cơ chế, chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đối với cán bộ tư pháp; cơ chế thu hút, thi tuyển những người đủ đức, đủ tài vào hệ thống các cơ quan tư pháp./.
Theo Đức Minh/VOV.VN