Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga: Tạo đột phá cho quan hệ 2 nước

Tiến sĩ Korolev nhận định rằng, trong số tất cả các nước Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác ổn định của Nga.

 

Ngày 25/11, Báo Độc lập của Nga đã đăng bài viết của Tiến sỹ Alexander Korolev - chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và quốc tế (HSE) với nhan đề “Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thúc đẩy Hà Nội và Moscow xích lại gần nhau hơn”, nội dung đánh giá những thành tựu nổi bật trong quan hệ hai nước, cũng như triển vọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời tin tưởng chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương.

Theo học giả, trong những năm gần đây, mối quan hệ LB Nga - Việt Nam được các chuyên gia và phương tiện truyền thông hàng đầu tại Nga quan tâm nhiều hơn. Hai bên kỷ niệm một loạt các sự kiện lớn, trong đó năm 2020, hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, năm nay kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và năm sau sẽ kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Tiến sĩ Korolev nhận định rằng, trong số tất cả các nước Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác ổn định của Nga. Hai bên tích cực hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí. Các tập đoàn công nghiệp lớn của Nga là Zarubezhneft, Rosneft và Gazprom đang thực hiện các hợp đồng với Petrovietnam để cung cấp và sản xuất dầu, khí đốt. Ngoài ra, năm 2019, Rosatom và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thông qua bản ghi nhớ về việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Đây có thể trở thành một dự án song phương hàng đầu mới trong lĩnh vực năng lượng.

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Nga và Việt Nam tăng cường hợp tác trong việc cung ứng thiết bị và vật tư y tế, cũng như hỗ trợ công dân trên lãnh thổ của nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương. Ngoài ra, cuối tháng 9, Việt Nam đã nhận được lô vaccine Sputnik-V thương mại đầu tiên của Nga với số lượng 739.000 liều. Theo các điều khoản của hợp đồng, Việt Nam sẽ nhận được tổng cộng 40 triệu liều vaccine Nga đến tháng 6/2022.

Một điểm sáng khác trong quan hệ hai bên là việc ký kết hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh kinh tế Á - Â (EAEU) - Việt Nam. Việt Nam là nước đầu tiên ký Hiệp định này và có thể được coi là một thành tựu quan trọng của EAEU trong định hướng hội nhập Á - Âu. FTA với Việt Nam là cơ sở vận hành các cơ chế và định dạng thể chế mới của EAEU nhằm hướng tới thương mại tự do.

Học giả nhấn mạnh rằng, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm đàm phán ký kết hiệp định thương mại và hội nhập chặt chẽ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đồng thời là một thị trường rộng lớn với dân số khoảng 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đang tăng lên, là thị trường đầy hứa hẹn cho các sản phẩm từ các quốc gia thành viên EAEU.

Kim ngạch thương mại của EAEU và Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 đã tăng gấp đôi (từ 3,1 tỷ USD lên 6,2 tỷ USD). Đây là mức tăng trưởng đáng kể trong vòng 5 năm.

Bài viết đăng trên phiên bản báo giấy số ra ngày 26/11.

Kể từ khi FTA có hiệu lực, EAEU đã đa dạng hóa các mặt hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam, trong đó mặt hàng xuất khẩu chính là than đá (chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của EAEU sang Việt Nam vào năm 2020), xuất khẩu thép (chiếm 17,5%), xuất khẩu thịt lợn tăng mạnh (chiếm 6,8%) do các doanh nghiệp Nga nhận được giấy phép xuất khẩu cuối năm 2019 và nhu cầu gia tăng tại Việt Nam.

Trong số các thử thách kiểm chứng sức mạnh quan hệ LB Nga - Việt Nam, có thể kể đến tình hình ở Biển Đông. Về vấn đề này, Nga bày tỏ quan điểm trung lập về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đề cao tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Cuối bài viết, tác giả nhấn mạnh rằng, chuyến thăm LB Nga sắp tới của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương. Chuyến thăm này thể hiện mong muốn của Việt Nam và LB Nga trong việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận