Sáng nay (22/11), tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc với Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang,Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Ngài Bezdetko Gennady Stepanovich, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Đánh giá cao những thành tựu mà Trung tâm đạt được sau 33 năm hoạt động, là ngôi nhà chung của các nhà khoa học Việt - Nga, Chủ tịch nước đề nghị Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga không chỉ mở rộng phạm vi trong ba hướng khoa học là độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới, y sinh nhiệt đới hiện có mà còn phải thành lập các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mới.
Theo báo cáo của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, sau 33 năm hoạt động, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã không ngừng phát triển, trở thành tổ chức khoa học công nghệ đa ngành, thực hiện những nghiên cứu cơ bản và ứng dụng tổng hợp tại vùng khí hậu nhiệt đới. Với sự tham gia của nhiều tổ chức khoa học Liên bang Nga và Việt Nam, Trung tâm đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu khoa học trên các hướng như: Sinh thái nhiệt đới, độ bền nhiệt đới, y sinh nhiệt đới và đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao. Đặc biệt, Trung tâm đã đưa các trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại do Chính phủ Liên bang Nga tài trợ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả tại các địa phương. Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng của Trung tâm có tính cấp thiết, góp phần giải quyết các vấn đề an ninh tổng hợp của hai nước, chống lại các nguy cơ về hóa học, y sinh học, phát triển các giải pháp y tế…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng đến thăm, làm việc tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đúng dịp kỷ niệm 104 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, một mô hình hợp tác khoa học công nghệ đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Chủ tịch nước đánh giá, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga không ngừng được củng cố và có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu thực chất, nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh, khoa học và công nghệ. Trong đó, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga là điểm sáng nổi bật của sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Chủ tịch nước đánh giá, sau 33 năm xây dựng và phát triển, năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ được nâng cao; hoạt động khoa học công nghệ phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, hiệu quả. Trung tâm là ngôi nhà chung của các nhà khoa học Việt - Nga. Tới nay đã có hàng ngàn lượt nhà khoa học Nga sang làm việc tại Trung tâm, với nhiều viện sỹ, giáo sư, tiến sĩ khoa học, chuyên gia hàng đầu của nền khoa học Liên Xô trước đây và LB Nga hiện nay. Từ Trung tâm, sự hợp tác quốc tế với các nước thứ 3 như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, đang từng bước được thiết lập một cách hiệu quả, tin cậy. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Trung tâm đã nghiên cứu thành công và được Bộ Y tế công nhận quy trình xét nghiệm SARS-CoV-2.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nhiều năm qua, những kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ của Trung tâm đã đóng góp quan trọng vào phát triển khoa học, công nghệ nói chung, khoa học, công nghệ, kỹ thuật quân sự nói riêng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đáp ứng lợi ích của cả Việt Nam và Liên bang Nga.
Từ các sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm, nhiều sản phẩm đã được chuẩn hóa và mong rằng được sử dụng rộng rãi trong toàn quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của quân đội ta. Những kết quả toàn diện này đã góp phần tích cực vào sự củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, tin cậy, sâu sắc, Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga. Là cơ chế hợp tác song phương duy nhất vẫn tồn tại từ thời Liên Xô đến nay, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thật sự là biểu tượng có ý nghĩa chính trị sâu sắc, tiêu biểu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Liên Xô trước đây và nay là Liên bang Nga.
Nêu những yêu cầu quan trọng để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, Chủ tịch nước yêu cầu Trung tâm cần có những bước đi đóng góp vào mục tiêu này, phấn đấu xây dựng Trung tâm thành cơ sở khoa học - công nghệ uy tín, một số lĩnh vực đạt trình độ khu vực và thế giới có khả năng tham gia và triển khai các chương trình khoa học trọng điểm của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, tiếp tục là địa chỉ tin cậy trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Chủ tịch nước yêu cầu, Trung tâm cần kết hợp chặt chẽ nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, thích ứng và chuyển giao công nghệ; ưu tiên phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, gắn hoạt động của Trung tâm với công tác kỹ thuật của Quân đội. Huy động, mở rộng sự tham gia của các trường đại học, các tổ chức khoa học công nghệ chuyên gia hàng đầu của Nga trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của Việt Nam; đảm bảo cân bằng lợi ích giữa hai nước. Chính vì thế nên cần đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; các lĩnh vực Trung tâm có thế mạnh, nhất là nghiên cứu tổng hợp sinh thái, môi trường biển; nghiên cứu nâng cao độ bền nhiệt đới các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới, nghiên cứu môi trường biển các vùng biển Việt Nam cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống khác mà chúng ta cần chủ động...
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Liên bang Nga đã ủng hộ cơ sở vật chất, từng bước nâng cao tiềm lực của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, trong đó có xe xét nghiệm lưu động mà Chính phủ Nga viện trợ, đã góp phần thiết thực, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và khống chế đại dịch Covid-19./.
Theo Vũ Dũng/VOV