Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ hôm nay (22/11) đến 25/11/2021. Thủ tướng Việt Nam là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức sau khi Đảng Dân chủ tự do giành chiến thắng trong tổng tuyển cử Nhật Bản ngày 31/10.
Trong cuộc gặp nhân Hội nghị COP26 tại Vương quốc Anh ngày 2-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm.
Hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ, tổ chức các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Cũng tại cuộc gặp này, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ cảm tình đặc biệt với đất nước và nhân dân Việt Nam, mong muốn sớm thăm Việt Nam, đề nghị hai nước phối hợp, duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất khi kiểm soát được dịch bệnh.
Lãnh đạo hai nước nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Trên tinh thần đó, nhất trí sớm thu xếp các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Chuyến thăm là bước triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đã được khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Việt Nam luôn là bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của Nhật Bản và ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò xứng đáng ở khu vực và trên thế giới, cùng Nhật Bản đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Việt Nam sẵn sàng cùng Nhật Bản mở ra một giai đoạn phát triển mới, thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, an ninh - quốc phòng, địa phương, giao lưu nhân dân.
Việt Nam sẵn sàng cùng Nhật Bản trao đổi chân thành, hữu nghị, tin cậy, thẳng thắn, thực chất và hiệu quả; thúc đẩy hợp tác ở một số lĩnh vực trọng yếu, nhất là hợp tác kinh tế, y tế, vaccine, thuốc điều trị COVID-19; hợp tác an ninh quốc phòng, hợp tác tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Trong thời gian qua, quan hệ tin cậy chính trị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố. Thành công và những thỏa thuận đạt được trong các cuộc điện đàm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước đã tạo nền tảng chính trị vững chắc, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Về hợp tác kinh tế, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam; là nước tài trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư số 2 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp thời gian gần đây.
Hợp tác hai nước trên các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, lao động, nông nghiệp, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa...đều phát triển mạnh mẽ. Giao lưu giữa các địa phương hai nước được mở rộng. Giao lưu nhân dân diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức.
Đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam vaccine ngừa COVID-19; các hiệp hội và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tham gia tích cực đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19. Những nghĩa cử cao đẹp nêu trên là minh chứng sống động cho mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Sự tương đồng về văn hóa, về lịch sử, về truyền thống là những yếu tố quan trọng cấu thành chất keo gắn kết hai đất nước, hai dân tộc.
Sau gần nửa thế kỷ, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, trở thành tài sản chung quý báu của cả hai quốc gia. Nếu như năm 2002, Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”, thì chỉ 2 năm sau đó, quan hệ hai nước được nâng cấp lên “Đối tác bền vững”.
Đến năm 2009, Việt Nam -Nhật Bản đã thiết lập “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Nhật Bản cũng là nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Đến năm 2014, Việt Nam - Nhật Bản ra “Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai, đối tác du lịch thứ ba, thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Về giáo dục, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành Giáo dục đào tạo của Việt Nam. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 80.000 người.
Hợp tác nông nghiệp có bước đột phá, hai bên đã ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” (9/2015), ký lại Tầm nhìn chung sửa đổi vào tháng 5/2018, đang triển khai “Tầm nhìn Trung và Dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2 giai đoạn 2020-2024”.
Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Về hợp tác lao động, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với gần 220.000 người.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt gần 450.000 người. Hiện có khoảng 20.000 công dân Nhật Bản tại Việt Nam./.
Theo Vũ Khuyên/VOV