'Tình hình Biển Đông đang ở ngã rẽ quan trọng'

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định, tình hình Biển Đông đang ở ngã rẽ quan trọng, đòi hỏi các bên phải tỉnh táo nhận diện tình hình khách quan.

 

“Hàn thử biểu” đối với hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn" ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng, với vị trí trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Biển Đông "là hàn thử biểu rõ rệt đối với hoà bình, ổn định và hợp tác" trong khu vực.

"Những diễn biến và phát triển ở Biển Đông, dù là diễn biến tốt, hay không tốt, sẽ dễ dàng trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực, và ở các khu vực khác trên thế giới", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định.

Quá trình tương tác giữa các nước lớn với nhau, giữa các nước lớn với các tổ chức đa phương khu vực, với luật pháp quốc tế nói chung, sẽ tác động rất lớn đến trật tự và phương thức vận hành của thế giới nói chung. Ông Phạm Quang Hiệu cũng cho rằng, "tương lai trật tự thế giới có vận hành dựa trên luật lệ hay không, có bảo đảm quyền bình đẳng giữa các quốc gia không, có dựa trên các khuôn khổ hợp tác đa phương, minh bạch và bao trùm hay không, sẽ được quyết định một phần bởi cách ứng xử của chúng ta ở Biển Đông và ở khu vực Ấn Độ Dưong - Thái Bình Dương nói chung".

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu.

Tình hình Biển Đông trong một năm qua đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại mới. Số hoạt động quân sự trên biển, dưới biển, trên không và không gian vũ trụ gia tăng nhanh chóng đang làm dấy lên lo ngại về chạy đua vũ trang và nguy cơ sự cố va chạm ngoài ý muốn. Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi UNCLOS 1982 được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, chủ trương của Việt Nam về vấn đề Biển Đông luôn rõ ràng và nhất quán, luôn kiên trì bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình và cùng các bên giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; luôn hoan nghênh nỗ lực của các nước trong và ngoài khu vực đóng góp cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Biển Đông đang ở ngã rẽ quan trọng

Nhận định "tình hình Biển Đông đang ở ngã rẽ (junction) quan trọng", ông Phạm Quang Hiệu cho rằng: "Chúng ta cần hết sức tỉnh táo, nhận diện tình hình một cách khách quan, đưa ra các khuyến nghị trên cơ sở đúc kết các bài học lịch sử và các khuyến nghị chính sách một cách khoa học, trên cơ sở đó thu hẹp khoảng cách nhận thức, gia tăng tính minh bạch trong môi trường chiến lược khu vực, giảm thiểu thông tin xấu, qua đó củng cố lòng tin chiến lược và hợp tác giữa tất cả các bên liên quan".

Với chủ đề, “Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề xuất Hội thảo cần làm rõ 4 vấn đề chính.

Một là, những việc cần làm để tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các nước, nhất là các nước yêu sách, để kiểm soát bất đồng, tìm kiến giải pháp cùng chấp nhận được, đưa Biển Đông trở thành vùng biển hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; giải quyết các tranh chấp và bất đồng thông qua các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Hai là, các biện pháp xây dựng trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS như các biện pháp cần có để khuyến khích các bên nghiêm túc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ DOC, không làm phức tạp thêm tình hình, không tiến hành các hoạt động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông, tôn trọng Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc, tôn trọng quyền lợi hợp pháp trên cơ sở luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, của các bên liên quan ở Biển Đông là tiền đề cần thiết để xây dựng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Cần tháo gỡ khó khăn gì để các bên sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi.

Ba là, làm thế nào xây dựng cấu trúc an ninh đa phương ở khu vực, xử lý hiệu quả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống với vai trò trung tâm của ASEAN. Cách tiếp cận đa phương là hết sức cần thiết không chỉ đối với việc xử lý các vấn đề an ninh khu vực nói chung mà còn với vấn đề Biển Đông nói riêng. Sự nhất quán với cách tiếp cận đa phương còn là cách tiếp cận hiệu quả của ASEAN trước những vấn đề an ninh của khu vực. Với vấn đề Biển Đông, đây còn là cách tiếp cận đảm bảo được quyền lợi của tất cả các quốc gia có quyền và lợi ích liên quan nhằm hướng tới mô hình quản lý Biển Đông xanh và bền vững.

Bốn là, có thể thực thi biện pháp gì nhằm thúc đẩy hợp tác biển trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật vào quản lý biển, đặc biệt là kinh tế biển xanh nhằm phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng trên biển. Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng hậu đại dịch phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định, an toàn và không bị gián đoạn của tuyến giao thông đường biển. Biển Đông là không gian kết nối, thúc đẩy giao thương toàn cầu, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, nhất là đối với hàng hoá chiến lược. Tìm ra các phương thức thúc đẩy sự an toàn và ổn định của mạng lưới hậu cần trên biển, xác định các nhân tố hỗ trợ bổ sung như kết nối cơ sở hạ tầng, hợp tác an ninh cảng biển, và các yếu tố có thể gây gián đoạn như sức khỏe con người trong ngành vận tải biển, các quy định về xuất nhập cảnh... là các biện pháp đảm bảo kết nối thông suốt và hợp tác biển hiệu quả./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận