Quy định 41 xác định rõ căn cứ xem xét cho miễn nhiệm, từ chức

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

 

Quy định mới của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ tạo bước đột phá mới, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu.

Để làm rõ thêm về những điểm mới trong quy định này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Hoàng Đăng Quang - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

PV: Xin ông cho biết sự cần thiết ban hành Quy định số 41 hay thế Quy định số 260 của Bộ Chính trị?

Ông Hoàng Đăng Quang: Qua hơn 10 năm thực hiện Quy định số 260 ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về việc cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm và từ chức đối với cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; sàng lọc, thay thế những cán bộ làm việc kém hiệu quả, yếu về năng lực, trách nhiệm, không đáp ứng được yêu cầu công việc, kém về phẩm chất đạo đức mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, hết tuổi công tác. Từ đó từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tuy nhiên, qua thực hiện Quy định số 260 đến nay có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, chưa cập nhật một cách đầy đủ các chủ trương, quy định mới của Đảng về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII; Đồng thời có nhiều vấn đề chưa bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành quy định mới về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thay thế Quy định số 260 là vấn đề hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khắc phục những bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và cập nhật một cách đầy đủ các quy định mới của Đảng về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong tình hình mới.

PV: Thưa ông, những điểm mới trong Quy định số 41 là gì, nhất là các căn cứ và quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức tại quy định này khác so với Quy định 260 để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới?

Ông Hoàng Đăng Quang: Điểm mới nổi bật của Quy định lần này là việc Bộ Chính trị đã quy định hai hình thức “miễn nhiệm” và “từ chức” đối với cán bộ và áp dụng trong phạm vi đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Theo đó, về miễn nhiệm đối với cán bộ, Bộ Chính trị quy định: Cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

Bộ Chính trị cũng đã quy định việc từ chức của cán bộ khi cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, khi có đủ căn cứ theo quy định của Bộ Chính trị; chủ yếu do cán bộ hạn chế về năng lực, trách nhiệm hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; hoặc để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng, hoặc có thể vì những lý do chính đáng khác của cá nhân.

Về thẩm quyền xem xét miễn nhiệm, từ chức được thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Quy định đã xác định rõ: Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức.

Đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức. Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ theo Quy định của Bộ Chính trị.

Quy định lần này đã xác định rất rõ những căn cứ và quy trình để xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Căn cứ về việc miễn nhiệm, từ chức trong Quy định mới đã cơ bản bao quát đầy đủ các tình huống đặt ra trong thực tiễn và kịp thời động viên, khuyến khích để cán bộ chủ động từ chức; mặt khác quy định đã cụ thể về cấp có thẩm quyền cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức; chính sách động viên khi cán bộ thôi giữ chức vụ, từ chức.

Ông Hoàng Đăng Quang - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ được sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa, cập nhật được các quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Về quy trình xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức đã được rút ngắn thời gian và thống nhất thành một quy trình để thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Yêu cầu đặt ra là phải kiên quyết, kịp thời cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đầy đủ căn cứ theo Quy định của Bộ Chính trị và tuyệt đối không được thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.

Quy định cũng xác định rõ việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc để cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Nếu người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy theo tính chất, mức độ của sai phạm để xem xét cho từ chức.

Như vậy, Quy định mới của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lần này đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, tạo bước đột phá mới, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đối với người đứng đầu vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

PV: Quy định lần này nhấn mạnh rõ hơn việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thưa ông ?

Ông Hoàng Đăng Quang: Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ: Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào 1 trong 3 trường hợp sau: Một là, miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. Hai là, người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức. Ba là, cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Quy định số 41 của Bộ Chính trị ban hành vào thời điểm ngay sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII ban hành Kết luận số 21 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Có ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát người đứng đầu thực hiện trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

PV: Vậy trách nhiệm các cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện Quy định số 41 là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Đăng Quang: Quy định số 41 của Bộ Chính trị đã quy định rất rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện đối với các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương.

Các đơn vị trên có trách nhiệm chỉ đạo, cụ thể hoá các nội dung của quy định phù hợp với từng cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp và bảo đảm không được trái với Quy định của Bộ Chính trị.

Quy định cũng đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan. Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan được Bộ Chính trị giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lại Hoa/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận