'Bịt lỗ hổng' về giá trang thiết bị y tế

Bắt đầu từ sáng 10/11, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. 4 vấn đề 'nóng' đã được các đại biểu lựa chọn đưa lên bàn nghị luận gồm y tế; lao động, việc làm; phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu đại dịch và giáo dục và đào tạo.

 

 

Liệu có lợi ích nhóm trong việc nhập test xét nghiệm?

Tại phiên chất vấn, vấn đề loạn giá xét nghiệm và vấn đề tiêu cực của ngành y trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế hay sản xuất Kit Test xét nghiệm đã được nhiều đại biểu quan tâm và đưa vào nội dung chất vấn. Cụ thể đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi, loạn giá xét nghiệm Covid-19 mỗi nơi mỗi giá, có nơi thu phí đến 450.000 đồng cho một lần xét nghiệm. Liệu có lợi ích nhóm trong việc nhập bộ test xét nghiệm hay không? Trách nhiệm của Bộ trưởng khi để giá xét nghiệm trôi nổi như thế nào?. Còn đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) đặt vấn đề, năm 2020 Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất được Kit Test xét nghiệm và đã có một số nước đặt mua. Tuy nhiên, trong thời gian qua thì chúng ta chủ yếu là nhập khẩu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao Kit Test xét nghiệm trong nước không được sản xuất mà phải nhập từ nước ngoài và nếu có sản xuất thì đã sử dụng ở đâu?

Trả lời câu hỏi về loạn giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước đây trang thiết bị y tế và sinh phẩm không thuộc mặt hàng quản lý theo luật Giá. Thứ hai là giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng khác nhau, khác nhau giữa các nước sản xuất và giá cũng khác nhau qua các thời điểm, có những thời kỳ nhu cầu cung ít, cầu nhiều thì giá thành cao hơn.

Bộ đã từng bước minh bạch hóa việc cung ứng đối với trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, vào tháng 7/2020, Bộ đã yêu cầu tất cả các công ty có kinh doanh, có sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai niêm yết giá trên cổng của Bộ Y tế.

Còn đối với Kit Test xét nghiệm, Bộ trưởng bộ Y tế cho hay, hiện nay, chúng ta đã có 8 đơn vị sản xuất trong nước cung cấp test nhanh cũng như cung cấp test PCR, cung cấp test kháng thể. Năng lực sản xuất cũng như khả năng cung ứng của chúng ta về cơ bản cũng đáp ứng đầy đủ. Ngày 8/11 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 về quản lý trang thiết bị y tế và có thể nói rằng đây là một trong những nghị định làm thay đổi cơ bản vấn đề quản lý trang thiết bị y tế từ quá trình quản lý, tiền kiểm sang hậu kiểm. Đặc biệt đối với vấn đề về quản lý giá và trang thiết bị cũng như sinh phẩm, chẩn đoán đã chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá.

Liên quan đến việc quản lý giá thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hồ Đức Phớc cũng khẳng định,  Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã xây dựng Nghị định 98 ban hành ngày 8/11/2021 để thắt chặt lỗ hổng này. Các cơ sở y tế phải kê khai giá và giá đấy phải được truyền về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế để quản lý. Khi đã kê khai giá nếu bán giá sai so với quy định kê khai thì sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động, nếu có hậu quả nghiêm trọng thì phải truy tố trước pháp luật. Cho nên sẽ thắt chặt được, bịt được lỗ hổng về giá đối với thiết bị y tế. Ngoài ra, nếu thiết bị y tế nhập khẩu thì phải công khai giá nhập của hải quan. Còn nếu sản xuất trong nước thì phải có giá thành sản xuất trong nước được công khai và công khai giá bán. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hồ Đức Phớc kỳ vọng sẽ bịt được lỗ hổng về giá thiết bị y tế trong thời gian tới.

Chống nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng lao động

Bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) về giải pháp bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, do tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam có 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó có 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Với các cháu mồ côi do dịch Covid-19, ngoài các chính sách đã có, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã vận động hỗ trợ các cháu. “Hiện nay, cả 81 cháu đều được sống với người thân, trong trường hợp không có người thân, chúng tôi và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam sẽ tìm mẹ đỡ đầu cho các cháu. Trường hợp xấu nhất mới đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về làn sóng dịch chuyển lao động từ thành phố về quê làm thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp. Bộ đã có đề xuất gì để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động này khi thích ứng linh hoạt trong tình hình mới?, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết để bù đắp lực lượng gián đoạn thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ giữ chân lao động, thu hút người lao động quay trở lại và hỗ trợ việc làm cho người lao động tại nơi họ về hoặc điều tiết thị trường lao động. Trong đó, quan trọng nhất là phải chăm lo tốt về chính sách an sinh cho người lao động để họ yên tâm làm việc như nhà trọ, nơi gửi con, bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng khi được tiêm vắc xin.

Đối với giải pháp chống nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, để bù đắp lực lượng lao động gián đoạn, cần thực hiện cả 3 giải pháp giữ chân lao động, thu hút lao động quay trở lại và điều tiết lao động. Theo tính toán của Bộ, với kịch bản xấu nhất, sẽ sử dụng toàn bộ sinh viên một số trường nghề; bồi dưỡng nhanh các kỹ năng để sử dụng bộ phận thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự... để tăng cường tạm thời với một số địa bàn, công việc đặc thù.

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp: 

Theo ý chủ quan của tôi, trong thời gian qua, Bộ Y tế buông lỏng giá xét nghiệm. Thời gian qua tôi nghe một số tờ báo nói Bộ Y tế không quản lý giá cho nên mỗi nơi, mỗi kiểu, mỗi địa phương đều có giá khác nhau. Tôi cho rằng đây là một thiếu sót. Tôi đề nghị việc này phải có sự kiểm tra, giám sát, nếu không mỗi nơi mỗi giá. Vừa rồi tôi đi họp Quốc hội, tôi xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất, giá xét nghiệm là 440.000 đồng mà ở bên ngoài vỉa hè của sân bay Tân Sơn Nhất thôi chứ không phải trong sân bay Tân Sơn Nhất. Rõ ràng giá cao gấp bao nhiêu lần. Người dân mà phải chịu giá đó là rất thiệt thòi và rất tội. Đề nghị Bộ trưởng kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có xử lý nghiêm, nếu nơi nào không thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế đề ra về giá xét nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Các đơn vị sự nghiệp công lập như là các bệnh viện nếu đã tự chủ hoàn toàn thì được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm báo cáo tài chính, hoặc là Kiểm toán nhà nước hoặc là kiểm toán độc lập phải làm việc này. Chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa, hay là đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”?. Vấn đề hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Bộ là một chuyện, nhưng vấn đề chế độ kế toán và kiểm toán đối với các đơn vị này thì trong Nghị quyết 19 nói rất rõ là phải thực hiện quản lý và hạch toán như doanh nghiệp. Những chuyện như liên kết đặt máy, mua bán thuốc, vật tư, thiết bị y tế hàng năm bệnh viện công được Nhà nước kiểm toán. Những đơn vị đã hạch toán như doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn thì phải kiểm toán và công khai việc này. Đề nghị Bộ trưởng kiểm tra lại việc này.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận