Quy định về miễn nhiệm, từ chức: Phá bỏ quan điểm cán bộ 'có lên không có xuống'

Nếu cán bộ gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, thì với lòng tự trọng của người đảng viên, anh cần phải từ chức hoặc miễn nhiệm.

 

Điều đó phá bỏ quan điểm lâu nay đó là cán bộ lãnh đạo "có lên không có xuống", "có vào không có ra".

"Quy định 41 có ý nghĩa rất lớn, mang tính răn đe đối với tất cả cán bộ, đặc biệt là cán bộ có chức, có quyền; đồng thời cũng mở ra nét văn hóa từ chức". PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II nhấn mạnh điều này khi nói về Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Phá vỡ quan điểm cán bộ "có lên không có xuống"

PV: Quy định 41 của Bộ Chính trị vừa được ban hành có nhiều điểm mới so với Quy định 260 ra đời năm 2009. Theo ông, điểm mới đáng lưu ý ở Quy định 41 là gì?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: So với quy định trước đó, Quy định số 41 cụ thể hơn, rõ ràng hơn rất nhiều. Trong đó, quy định đã làm rõ khái niệm về miễn nhiệm, từ chức. Theo Quy định 260, khái niệm “từ chức” là việc cán bộ tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ và được cấp có thẩm quyền chấp thuận; trong khi ở Quy định 41, “từ chức” được hiểu là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Ngoài ra, Quy định cũng nói rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, ghi rõ nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức; quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức...

Nếu cán bộ gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, thì với lòng tự trọng của người đảng viên, anh cần phải từ chức hoặc miễn nhiệm. Điều đó phá vỡ quan điểm lâu nay đó là cán bộ lãnh đạo "có lên không có xuống", "có vào không có ra".

Theo tinh thần của Quy định 41, cán bộ luôn phấn đấu vươn lên và sẵn sàng chịu trách nhiệm khi gây hậu quả không tốt. Bên cạnh đó, Quy định 41 có một điểm đáng lưu ý đó là cụ thể những căn cứ xem xét đối với cán bộ xin từ chức, như cán bộ đó có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; hoặc xét thấy bản thân không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc. Quy định cũng nói rõ “không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”.

Song, Quy định 41 cũng mở ra hướng cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Quy định vừa có tính nghiêm khắc, vừa tạo điều kiện cho cán bộ sửa sai.

Với các quy định cụ thể, rõ ràng như vậy, tất cả cán bộ, đặc biệt là cán bộ có chức, có quyền cần hết sức cố gắng phấn đấu vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ của mình, nếu không sẽ bị cách chức, miễn nhiệm ngay. Đồng thời cũng mở ra hướng nếu bản thân cán bộ xét thấy không đủ năng lực, uy tín thì sẽ được xem xét từ chức.

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 41 cũng là để xây dựng niềm tin đối với nhân dân, khẳng định không có tư tưởng cán bộ “đã lên không có xuống” và làm rõ kỷ luật của Đảng đối với với các cán bộ với tinh thần “không có vùng cấm”.

PV: Một trong những nguyên tắc mới được đề cập đến tại khoản 3 Điều 3 Quy định 41 đó là “không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”. Điều này khẳng định tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng đối với cán bộ, đảng viên, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Nếu cán bộ để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng thì được quyền xin từ chức, nhưng nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng thì phải bị miễn nhiệm. Điều đó có nghĩa không phải cán bộ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì được xin từ chức để giữ danh dự.

Từ chức và miễn nhiệm là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Người từ chức là tự nguyện khi thấy bản thân hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; có những sai phạm chưa đến mức độ buộc phải bị miễn nhiệm thì khi đó sự ra đi của họ vẫn còn danh dự; còn cán bộ bị miễn nhiệm tức là vi phạm đến mức rất nghiêm trọng.

Và khi cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì vẫn được cấp trên bố trí công việc phù hợp, còn người được miễn nhiệm thì không được bố trí công việc khác. Điều đó cho thấy cán bộ vi phạm đến mức độ nào thì tổ chức Đảng sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp.

Quy định này mang tính răn đe, rõ ràng, cụ thể, công bằng đối với sự cống hiến của cán bộ, đặt ra yêu cầu đối với cán bộ cần phải luôn luôn hoàn thiện nhân cách của mình. Khi cảm thấy năng lực bản thân có vấn đề thì tốt nhất là xin từ chức.

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II (áo trắng).

PV: Mặc dù quy định về từ chức đã được ban hành cách đây hơn 10 năm, nhưng dường như câu chuyện cán bộ xin từ chức ở nước ta vẫn còn rất ít?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Một trong những vấn đề đang bàn hiện nay đó là vấn đề văn hóa trong Đảng và sự tự trọng của người đảng viên, sự quyết liệt của người đứng đầu đơn vị, đứng đầu cấp ủy sử dụng cán bộ đó.

Chúng ta đã có những quy định liên quan đến các vấn đề này, song việc thực hiện chưa thực sự quyết liệt. Những cán bộ, đảng viên có năng lực thì đều có cơ hội phấn đấu. Còn nếu anh là đảng viên, là người có chức, có quyền nhưng không còn đủ năng lực thì anh cần phải nhường đường cho người khác đi.

Nếu anh vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng thì Đảng sẽ cho anh từ chức hoặc miễn nhiệm. Điều này phụ thuộc vào trình độ, văn hóa, sự tự trọng của người đảng viên và sự quyết liệt của cấp trên.

Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ thì nên rút lui

PV: Như ông vừa nói, việc đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ suy thoái, không hoàn thành nhiệm vụ hay xem xét cho cán bộ từ chức có được thực hiện hay không, quan trọng vẫn là người đứng đầu?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Việc này phụ thuộc vào người đứng đầu đơn vị và cấp ủy, tập thể lãnh đạo. Nếu người đứng đầu quyết liệt, một tập thể đấu tranh với những tiêu cực thì chắc chắn sẽ thực hiện được việc miễn nhiệm, từ chức đúng quy định. Còn nếu tập thể bao che, dung túng cho nhau thì sẽ không thực hiện được việc miễn nhiệm, từ chức.

Cấp trên sử dụng cán bộ có quyền đề nghị cán bộ từ chức và đề nghị miễn nhiệm. Như vậy, nếu người đứng đầu có hành vi bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức hoặc miễn nhiệm.

Thực tế cho thấy cũng có tập thể bao che, dung túng với những sai phạm. Trong trường hợp như vậy, lãnh đạo cấp trên, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị sử dụng cán bộ đó phải phân tích, đánh giá. Nên việc hàng năm kiểm điểm cán bộ công chức có hoàn thành nhiệm vụ hay không là điều cực kỳ quan trọng và phải đánh giá thật đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Bởi theo Quy định 41, nếu cán bộ trong 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị miễn nhiệm.

PV: Đã đến lúc chúng ta cần xem việc từ chức là việc hoàn toàn bình thường, trở thành một nét văn hóa, là một khâu trong quản lý lãnh đạo các cấp?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Đã đến lúc cần nhất trí với nhau quan điểm nếu cán bộ không đủ phẩm hạnh, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao cho thì cần phải dừng lại để nhường cho người khác. Đó vừa là văn hóa, vừa là sự tự trọng của người đảng viên. Trong trường hợp cán bộ mắc sai phạm nghiêm trọng, dù không muốn nhưng cán bộ cũng cần phải từ chức.

Khí chất của người đảng viên rất quan trọng, chính vì vậy, việc lựa chọn cán bộ, bổ nhiệm cán bộ phải được các cấp có thẩm quyền hết sức coi trọng. Những cán bộ đó phải là những người ưu tú nhất về đạo đức, phẩm hạnh, năng lực. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu không đáp ứng được thì cần phải dừng lại.

Từ chức không có nghĩa là chấm dứt sự nghiệp mà Đảng vẫn mở đường cho anh một nhiệm vụ khác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để cán bộ tiếp tục phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Kim Anh/VOV.VN (thực hiện)
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận