Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.
Dành nguồn lực thích đáng cho “trụ đỡ” nông nghiệp
Trong phiên thảo luận ngày hôm qua (8/11), đã có 60 đại biểu nêu ý kiến, tập trung nhiều vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022, đặc biệt liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Đồng tình với những nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi để vừa sẵn sàng chủ động ứng phó, giảm thiểu những thiệt hại do COVID-19 gây ra, vừa để phục hồi, phát triển kinh tế trong giai đoạn cuối năm 2021 cũng như năm 2022 đã được Chính phủ đề ra, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đề nghị Chính phủ, Quốc hội dành sự quan tâm đầy đủ, dành nguồn lực thích đáng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, coi đây là nền tảng căn cốt và cần xác định rõ, bất luận trong hoàn cảnh nào thì nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ, đảm bảo cho sự phát triển ổn định của xã hội và là tiền đề cho các bước phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo.
Đặc biệt, theo đại biểu đoàn Hà Nội, trong giai đoạn trong và sau COVID, Chính phủ cần phải có những giải pháp thiết thực về giống, về logistics, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và về nguồn lực tài chính để hỗ trợ phục hồi ngay khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân dễ bị tổn thương.
Giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình), để từng bước phục hồi nền kinh tế, cần phải phân tích, làm rõ hơn nữa động lực tăng trưởng trong nước, từ tiêu dùng nội địa, đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và từ xuất khẩu, để xác định những giải pháp phù hợp và căn cơ hơn.
Dẫn số liệu báo cáo của Chính phủ về quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, cho thấy tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm 2021 dự kiến đạt 47,38%, là con số rất thấp, đáng chú ý có 20 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, 3 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Do đó, đại biểu đoàn Thái Bình kiến nghị, cùng với 5 nhóm giải pháp Chính phủ đã xác định, cần phải tập trung vào các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, để thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục tình trạng giao vốn chậm, dự án chuẩn bị chưa đạt yêu cầu, chưa đến nơi, đến chốn, năng lực của bộ máy và nhất là phải lưu tâm và đôn đốc để đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng.
Lo ngại hệ lụy từ làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến tỷ lệ người thất nghiệp và làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp để trở về quê hương, dẫn tới nghịch lý là vấn đề lao động và việc làm vừa thiếu, vừa thừa.
Để tập trung giải quyết vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị, trước mắt Chính phủ cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút được lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương, có phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương mà chưa sẵn sàng quay trở lại các khu công nghiệp, thành phố lớn do tâm lý e ngại bởi đại dịch diễn biến phức tạp và cũng có giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự, tránh những bất ổn về mặt xã hội.
Cho rằng sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của nền kinh tế đang bị suy kiệt khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng nghìn người mất việc làm phải rời bỏ về quê hương; đặc biệt kinh tế Việt Nam đã “rơi thẳng đứng” từ mức tăng trưởng dương 6,61% ở quý II xuống -6,17% ở quý III.
Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn cần vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân phối lại chuỗi cung ứng. Muốn vậy các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm nguồn lực đầu tư.
Cụ thể, đại biểu đoàn TP Hà Nội đề xuất cần có chính sách cấp bù lãi suất để doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát, vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù đắp được chi phí lãi suất vay cao như thị trường.
Đồng thời, phải tăng cường trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn, gia tăng. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu ngân sách dành ra 30.000-40.000 tỷ để cấp bù thì Việt Nam sẽ có 1 triệu tỷ đồng tiền vốn lãi suất thấp để giúp doanh nghiệp phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để các doanh nghiệp đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất, hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán./.
Theo PV/VOV.VN