Ngày 02/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1845/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025. Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2021 - 2025 2205 đã xác định mục tiêu triệt để THTK, CLP trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phòng, chống, ngăn chặn đại dịch Covid-19, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chương trình giai đoạn 2021-2025 đặt ra 05 yêu cầu về THTK, CLP, trong đó nhấn mạnh việc THTK, CLP phải bám sát chủ trương, định hướng tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đặc biệt phải gắn với việc thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược và 12 giải pháp tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025; xác định THTK,CLP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo phân công, phân cấp cụ thể, rõ đầu mối thực hiện; THTK, CLP phải gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, thúc đẩy cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chương trình đưa ra 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong các lĩnh vực, bao gồm: (i) về quản lý NSNN; (ii) về quản lý nợ công; (iii) về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; (iv) về quản lý, sử dụng tài sản công; (v) về quản lý tài nguyên thiên nhiên; (vi) về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (vii) về sắp xếp tổ chức, bộ máy; (viii) về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; (ix) về nâng cao nhận thức, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP. Trong đó, nhấn mạnh nội dung về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chương trình đề ra một số chỉ tiêu tiết kiệm trong 08 nhóm lĩnh vực như sau: (i) trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN; (ii) trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; (iii) trong quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; (iv) trong quản lý, sử dụng tài sản công; (v) trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; (vi) trong quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; (vii) trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; (viii) trong quản lý lao động và thời gian lao động.
Chương trình đặc biệt nhấn mạnh việc hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực như: Nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan.../.