Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ một cách toàn diện trong bối cảnh mới chính là tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ, kiến tạo, thúc đẩy, đổi mới sáng tạo và thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu rộng như hiện nay.
Ở các quốc gia trên thế giới, việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ thông qua tố tụng dân sự ở tòa án đều thực hiện tại tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan. Trong khi đó, Việt Nam chưa có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ và cũng chưa có thẩm phán chuyên trách về xử trí tuệ. Theo thông tin từ Tòa án nhân dân tối cao do Thư viện Quốc hội cung cấp, đến ngày 31/7/2021, tổng số thẩm phán cả nước là 6.230 và cũng chưa có thẩm phán nào được đào tạo chuyên sâu, chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Từ ngày 1/10/2018 - 31/7/2021 tòa án đã thụ lý sơ thẩm 208 vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, đã giải quyết được 126 vụ đạt 60,6%. Chỉ tính riêng năm 2020, số vụ xử lý hành chính về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gần 1.700 vụ, hơn một nửa liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng kiến kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy nhiều đại biểu cho rằng cần sửa đổi Luật theo hướng tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - đoàn Lào Cai cho rằng, nếu không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tên thương mại, bí mật kinh doanh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. Như vậy là thu hẹp phạm vi xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
“Hơn nữa, Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA cũng yêu cầu hạn chế việc sử dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong luật quốc gia thành viên mà thậm chí còn yêu cầu tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Như vậy, việc loại trừ biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực này không đảm bảo tính chất nhất quán, đồng bộ về chính sách pháp luật. Do vậy, tôi đề nghị giữ nguyên điểm a khoản 1 Điều 211 theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành” - đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị.
Cònđại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - đoàn Vĩnh Long khẳng định: “Tôi thống nhất với phương án 1 biện pháp xử lý hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa, lý giống cây trồng, các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị phạt xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự nhằm từng bước làm giảm bớt biện pháp xử lý hành chính, tăng xử lý thông qua tranh tụng tại các phiên tòa. Đồng thời thiệt hại của các bên xâm phạm sẽ được đền bù thỏa đáng theo phán quyết của tòa án”.
Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú - đoàn Kiên Giang: “Có ý kiến cho rằng hành vi xâm phạm quyền dân sự cần được xử lý bằng biện pháp dân sự. Theo tôi, hành vi xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ xâm phạm quyền dân sự mà còn xâm phạm trật tự quản lý kinh tế - xã hội. Bên cạnh biện pháp dân sự để xử lý như yêu cầu bồi thường thiệt hại, hành vi xâm phạm này có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, cao hơn có thể sử bị xử lý bằng biện pháp hình sự như Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.
Với những góp ý trên, các đại biểu kỳ vọng, Luật Sở hữu trí tuệ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay./.