Cẩn trọng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, rừng

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, đa số đại biểu nhất trí.Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần phải tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện trước khi ban hành nghị quyết này.

 

Cần tổng kết, đánh giá toàn diện

Đánh giá về cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, đa số đại biểu nhất trí cho rằng, việc xây dựng định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn một số địa phương có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế - tài chính với thể chế, cơ chế chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh là điều cần thiết. Việc đầu tư phát triển trọng điểm tại các địa phương này sẽ có khả năng mang lại hiệu suất phát triển kinh tế cao. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần phải tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện trước khi ban hành nghị quyết này.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đồng Nai - nhận xét: “Quốc hội cần phải thí điểm, cần phải tổ chức nghiên cứu, trước khi ban hành nghị quyết. Ví dụ một số chính sách lớn như về thuế tài sản, đăng ký tài sản như đề nghị của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát dân tối cao hôm thảo luận cùng Ủy ban Tư pháp. Đây là những nội dung lớn mang tính quốc gia, nhưng chúng ta cần phải thí điểm”.

Các ĐBQH cho rằng, trước khi ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, cần đánh giá toàn diện kết quả thực hiện.

Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị cho rằng, cần rà soát kỹ về đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho các địa phương ngoài các quy định của pháp luật hiện hành có phù hợp không? Chúng ta chưa tổng kết thí điểm của 3 thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, để có đánh giá đầy đủ những lợi thế khi các tỉnh, thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù có phát huy được những lợi thế, dư địa của địa phương mình để vươn lên, đóng góp cho quốc gia và hỗ trợ, chia sẻ cho các địa phương trong vùng đang khó khăn hay không? Có tác động lan tỏa vùng miền gắn với tính tự lực, tự cường, phát huy năng động, sáng tạo và có phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của trung ương không? Có làm tăng bội chi ngân sách của trung ương và trần nợ công hay không? Từ tổng kết thí điểm, chúng ta mới có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để nhân rộng ra một số địa phương khác mang tính vùng miền để đảm bảo tính công bằng, không tạo nên cơ chế xin cho bất bình đẳng.

Thận trọng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Nhiều đại biểu còn băn khoăn, khi đề xuất chính sách đặc thù thì các tỉnh, thành đã đặt mình trong tổng thể mối quan hệ với các tỉnh trong địa bàn và trong vùng kinh tế hay chưa? Các cơ chế, chính sách được đưa vào đã đặt trong tổng thể quy hoạch và chiến lược phát triển vùng kinh tế cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng thành phố và địa phương trong 4 đơn vị này của giai đoạn 2021-2025 hay chưa? Ngoài ra, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất đặc dụng và đất rừng phòng hộ cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Dự thảo nghị quyết cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên dưới 500ha, đất phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 50 hecta và rừng sản xuất dưới 1.000ha khiến nhiều đại biểu lo lắng. Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp - đề nghị: “Theo tôi cần cân nhắc thận trọng cho địa phương quyền này không thông qua Thủ tướng. Theo quy định, rừng đặc dụng gần 50ha, đất lúa gần 500ha là quá lớn, sẽ ảnh hưởng, tác động đến môi trường nghiêm trọng. Tương tự, mất đất lúa ảnh hưởng đến an ninh lương thực và để gánh nặng cho Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng trong việc đảm bảo cho an ninh lương thực, sau này muốn chuyển mục đích sử dụng đất sẽ rất khó khăn”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Bắc Ninh cho rằng, Thanh Hóa và Nghệ An là 2 địa phương đề nghị được chuyển quyền sử dụng đất rừng, cũng là 2 tỉnh có diện tích rừng rất lớn, tỷ lệ che phủ rừng của Thanh Hóa là 53,46%, Nghệ An là 58,50%, cao hơn độ che phủ rừng bình quân cả nước hiện là 42%. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường. Việt Nam có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 33 triệu héc-ta, phần đất liền chủ yếu là đất đồi núi chiếm khoảng 70%, đất có thể trồng lúa có tiềm năng cho năng suất cao, không nhiều, phần lớn là ở những lưu vực phù sa của các sông lớn, các vùng đất bằng phẳng gần các thành phố, khu vực đông dân cư nên diện tích đất lúa bị chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác tăng cao trong thời gian gần đây. Để hình thành đất trồng lúa 2 vụ trở lên, cần phải có thời gian bồi đắp, cải tạo tương đối dài hàng chục năm, ngay cả với các loại đất tích hợp cho trồng lúa. Khi chuyển đất trồng lúa sang mục đích khác sẽ phá vỡ cấu trúc đất, phá vỡ tầng đế cày. Đất rừng, nhất là rừng phòng hộ là nguồn sinh thủy cần được bảo vệ và phát triển để bảo đảm an ninh nguồn nước, tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người. “Vì vậy, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đất trồng lúa 2 vụ trở lên là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu để mất đi thì khó có thể khôi phục lại tình trạng ban đầu. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các địa phương phải hết sức quan tâm, thận trọng khi xem xét quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng 2 loại đất này” - đại biểu Nguyễn thị Kim Anh đề xuất.

 

Đại biểu Bùi Xuân Thống - Đồng Nai:

Việc tạo cơ chế và chính sách về nguồn thu để lại có giảm nguồn thu ngân sách trung ương hay không, nếu có thì bù đắp từ nguồn nào. Ngoài ra, theo báo cáo số 2241 ngày 22/10/2020 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là chưa hiệu quả, tính đến năm 2020 chưa có khoản thu nào. Vì vậy, để thực hiện chính sách này, tôi đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ nguyên nhân và vướng mắc từ đâu để nếu chúng ta triển khai thì có thể tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.Hai là, nâng mức dư nợ vay có làm tăng nợ công của quốc gia hay không, có ảnh hưởng đến dư nợ của các địa phương khác hay không. Mặt khác, tại các địa phương thí điểm lần này như Nghệ An, mức dư nợ vay chỉ mới đạt 27,19%, Hải Phòng là 28%, Thanh Hóa là 27,2%. Như vậy, việc các địa phương chưa thực hiện hết hạn mức dư nợ vay mà được phép nâng lên thì liệu có hợp lý hay không.

 

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Hải Dương:

Chúng ta áp dụng chính sách đặc thù tại một số địa phương. Vì vậy, cần có rà soát, đánh giá, phân định cụ thể sự phát triển của các địa phương, các vùng kinh tế là do tác động của các cơ chế, chính sách đặc thù hay phát triển chủ yếu dựa trên thế mạnh vốn có của các tỉnh. Sau khi áp dụng các chính sách đặc thù, địa phương có phát triển như kỳ vọng, từ đó đánh giá tính hiệu quả của cơ chế đặc thù để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp. Không nên áp dụng dàn trải quá nhiều địa phương khi chưa có những tổng kết, đánh giá sau quá trình triển khai thực hiện, dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi một chính sách. Khi xây dựng các chính sách đặc thù, cần lưu ý đến sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, đề cao vai trò điều hòa của nhà nước đối với sự phát triển cân bằng giữa các vùng. Mỗi thời điểm nhất định với nguồn lực có hạn cần tập trung đến những nơi có tiềm năng, hiệu suất phát triển cao. Sau khi địa phương đó phát triển rồi cần tập trung nguồn lực và xây dựng chính sách đặc thù đối với địa phương khác, tránh để xảy ra sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận