Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, theo hình thức trực tuyến, là dịp lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi và chỉ đạo về chính sách, cũng như quyết định tất cả các vấn đề then chốt liên quan đến thực hiện các mục tiêu của ASEAN. Đây là sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN và là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới được thành lập từ Đại hội XIII.
Hội nghị này là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Phát huy kết quả tốt đẹp của Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, ta tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của ta trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19 đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.
Với chủ trương là “đóng góp chủ động, ứng xử tích cực và sẻ chia trách nhiệm”, hướng tới vai trò nòng cốt, dẫn dắt trên các lĩnh vực, nội dung phù hợp, và hòa giải khi điều kiện thuận lợi. Chủ trương này phù hợp với tinh thần chung và mong muốn của Việt Nam: đồng hành cùng các nước ASEAN vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết, thống nhất ASEAN; tiếp nối đà xây dựng Cộng đồng và đẩy mạnh liên kết khu vực; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên; củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói quốc tế của ASEAN.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 2 điểm quan trọng ASEAN cần tập trung trong thời gian tới: “Chúng ta cần phải có thay đổi về nhận thức, buộc phải thích ứng, linh hoạt, an toàn trong trạng thái bình thường mới, cùng đoàn kết chung tay chống dịch bệnh. Bởi vì, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác nhiễm COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn phải vẫn phải chống dịch COVID-19. Tình hình biến đổi nhanh, khó lường đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh cách tiếp để quản lý sự thay đổi. Do đó, đã đến lúc ASEAN cần chuyển sang chiến lược mới: thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song với đẩy mạnh phục hồi. Thực hiện hiệu quả, chúng ta cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, năng lực hệ thống y tế, chủ động về vaccine và thuốc điều trị. Là một trong số các nước ASEAN đang đẩy mạnh nghiên cứu và chủ động sản xuất vaccine, Việt Nam đề nghị sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19, hình thành chuỗi cung ứng tự chủ của khu vực. Có thể cân nhắc dùng Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển, bào chế thuốc”.
Nhân dịp này, Thủ tướng công bố danh mục trang thiết bị y tế trị giá nhiều triệu USD của Việt Nam đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, sẵn sàng điều chuyển đến các nước khi có nhu cầu.
Việt Nam cho rằng người dân và doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh và cả trong phục hồi. Mọi chính sách đều hướng đến người dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp cũng phải tham gia có trách nhiệm trong tiến trình này. Với tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” chúng ta cần tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.
Thủ tướng cho rằng, thỏa thuận Khung hành lang đi lại ASEAN vừa được thông qua rất có ý nghĩa, cần được tận dụng hiệu quả để tạo thuận lợi tối đa cho di chuyển thiết yếu trong khu vực. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt bộ tiêu chí về sử dụng hộ chiếu vaccine và sẵn sàng trao đổi công nhận chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 với các nước ASEAN, trong đó có hình thức “chứng nhận số”.
Thủ tướng cho rằng, cùng với giữ vững thành quả đã đạt được, đẩy mạnh đà liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng, cần định vị chỗ đứng mới của ASEAN trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới. Cộng đồng ASEAN cần củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực. Để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của thị trường ASEAN và đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Những tồn tại, hạn chế như khoảng cách phát triển, khả năng xử lý các thách thức xuyên quốc gia cần được khắc phục hiệu quả không để ảnh hưởng đến tiến trình liên kết ASEAN. Theo đó, Thủ tướng ủng hộ thông qua và triển khai sáng kiến về Đề cao Chủ nghĩa đa phương, Chiến lược tổng thể về Cách mạng công nghiệp 4.0, sáng kiến Lá chắn ASEAN và Tuyên bố của ASEAN gửi đến Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26./.
Hội nghị cấp cao ASEAN 39
Sau khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 38, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 39.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu trên cương vị Chủ tịch ASEAN kế nhiệm, đã có các bài phát biểu nêu rõ những vấn đề đặt ra trong khu vực như vấn đề Biển Đông; về tình hình Myanmar; vấn đề an ninh mạng; vai trò trung tâm và khối đoàn kết của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực và với các đối tác của ASEAN...
Về vấn đề Myanmar, các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng việc ổn định ở Myanmar có vai trò, góp phần ổn định tình hình trong khu vực; đề nghị huy động hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar. Về vấn đề Biển Đông các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng phải đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng không trên Biển Đông và giải quyết các bất đồng trên cơ sở các thỏa thuận đã ký kế và luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn có một môi trường khu vực hoà bình, an ninh, ổn định và hợp tác để tập trung chống dịch, phục hồi và tiếp tục phát triển phồn vinh, thịnh vượng trong nội khối. Tuy nhiên trên thực tế chứng kiến những diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến ổn định khu vực. Bởi vậy, vai trò trung tâm và cả uy tín của ASEAN đang đứng trước thử thách trong giai đoạn khó khăn này.
Thủ tướng cho rằng, giá trị cốt lõi và sức mạnh của ASEAN 54 năm qua chính là đoàn kết. Do đó trước hết, ASEAN cần tiếp tục đoàn kết, hỗ trợ Myanmar. Nhất là khi người dân Myanmar tiếp tục phải gánh chịu cuộc sống đầy khó khăn, nhất là do tác động của dịch bệnh COVID-19. Vào lúc này, điều quan trọng nhất đối với ASEAN là củng cố đoàn kết, giữ gìn hình ảnh của ASEAN để tập trung giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của Cộng đồng cũng như quan hệ với các Đối tác, bảo đảm Hội nghị Cấp cao của ASEAN đạt kết quả.
Về vấn đề Biển Đông, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng: "ASEAN cần thể hiện bản lĩnh và vai trò tự chủ trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông, vùng biển chiến lược có lợi ích sát sườn với các quốc gia trong khu vực. Do đó, ASEAN cần kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông; thúc đẩy mạnh mẽ cam kết của các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử trách nhiệm, kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình. Đồng thời hợp tác xây dựng trên các vấn đề thuộc lợi ích chung như bảo tồn môi trường biển, khắc phục tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, hỗ trợ nhân đạo cho ngư dân và người đi biển v.v. Thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, thúc đẩy sớm hoàn thành COC với nỗ lực cao nhất của các bên, phấn đấu cùng Trung Quốc đạt Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị ASEAN cần có quan điểm thống nhất trước những vấn đề khu vực và thế giới; hoan nghênh các đối tác, trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định hợp tác và phát triển ở khu vực, tôn trọng vai trò của ASEAN và tham vấn đầy đủ với ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt, ASEAN giữ vai trò trung tâm./.
Vũ Khuyên/VOV