"Lý do chính ba tôi đã từng trả lời nhà báo Mỹ. Còn nguyên nhân nữa, như ông chia sẻ, đó là những công việc ông làm luôn gắn với các công việc của Đảng, của cách mạng. Nên nếu có thành tích hay công lao thì phải thuộc về Đảng, về tập thể lãnh đạo chứ không phải của riêng ông”
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, với 79 năm tuổi đời và 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911, được tôn vinh là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bản lĩnh; nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam; tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tài năng lãnh đạo của ông được thể hiện rõ ở cả lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao. Ông được Đảng tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cả thời kỳ hoạt động bí mật, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong thời kỳ nước nhà thống nhất. Nhưng dấu ấn sâu đậm hơn cả là khi ông trực tiếp phụ trách đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ông từng giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, để lại nhiều dấu ấn trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng.
Bên lề cuộc hội thảo “Đồng chí Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, con trai của nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ, đã chia sẻ những ký ức đặc biệt về người cha của mình. Sau những chuyến công tác dài ngày triền miên, trong khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi khi về thăm nhà, điều mà ông luôn răn dạy các con mình là phải luôn giữ gìn đạo đức, không để ảnh hưởng đến truyền thống gia đình.
“Với tôi, ông luôn là người chồng, người cha có trách nhiệm và tình cảm với gia đình”
PV: Điều khiến ông luôn nhớ về cha mình là gì?
Ông Lê Nam Thắng: Lúc ba tôi còn sống, ông bận rất nhiều việc, thường xuyên phải xa nhà. Giai đoạn phụ trách việc đàm phán Hiệp định Paris, ông xa nhà tới 4-5 năm liền. Rồi sau đó đến những đợt dài ngày ông vào chiến trường miền Nam trong tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, thay mặt Bộ chính trị chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh; hay như trong giai đoạn phụ trách chiến trường Tây Nam và giúp bạn Campuchia. Chưa kể, những chuyến công tác tới các địa phương trên cả nước cũng chiếm nhiều thời gian của ông.
Lúc đó, tôi còn nhỏ nên chưa hiểu hết công việc ông làm, một phần vì công việc ông không có nhiều thời gian để nói chuyện, một phần vì thời điểm đó đang trong giai đoạn chiến tranh nên những hoạt động của ông đều mang tính chất bí mật. Nhưng ở góc độ người con, tôi cảm nhận mặc dù rất bận nhưng ông vẫn dành thời gian, tâm sức khi điều kiện cho phép để quan tâm tới gia đình, vợ con. Đi công tác xa về, việc đầu tiên ông quan tâm là sức khỏe mọi người trong nhà thế nào, chuyện công tác của vợ, chuyện học hành của các con ra sao. Điều ông lo lắng là giai đoạn ông phải đi công tác xa nhà triền miên, trong nhà vắng bóng người cha, sợ con cái đua đòi theo bạn bè xấu hư hỏng, làm những chuyện không đúng.
PV: Một người có công lao và vai trò lớn như vậy với cách mạng Việt Nam, cuộc sống của ông có gì đặc biệt?
Ông Lê Nam Thắng: Với tôi, ông sống rất giản dị, quần áo chỉ vài bộ đại cán, ka ki bộ đội. Chỉ khi nào đi nước ngoài công tác hay tiếp khách quốc tế phải ăn mặc lịch sự ông mới mặc những bộ veston do Nhà nước may cho. Đồ dùng sinh hoạt ở nhà cũng rất đơn giản, tối thiểu cho sinh hoạt không có gì sang trọng, hiện đại như bây giờ. Đồ dùng giá trị nhất của ông lúc đó chỉ có một cái đài Sony để nghe tình hình tin tức trong và ngoài nước. Tôi nghĩ nếu bạn được chứng kiến sẽ không hình dung nổi những người lãnh đạo thời ấy họ đã sống đơn giản, bình dị như thế nào.
“Ông luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết”
PV: Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận Giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1973. Ông suy nghĩ thế nào về câu chuyện này?
Ông Lê Nam Thắng: Vấn đề này Ba tôi đã từng trả lời rất rõ ràng với một nhà báo Mỹ. Mỹ là bên gây chiến tranh ở Việt Nam, vì thế, một bên đi xâm lược, một bên chống lại quân xâm lược để giải phóng dân tộc mình khỏi ách áp bức không thể cùng chia nhau giải Nobel hòa bình. Không thể đặt kẻ xâm lược ngang hàng với người bảo vệ đất nước. Hơn nữa, trong khi thời điểm đó (1973) hòa bình vẫn chưa thực sự hiện diện ở Việt Nam, đất nước vẫn còn chia cắt, nên ông từ chối không nhận giải thưởng hòa bình là vì thế.
Với việc đàm phán thành công, ký kết Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973, ông Lê Đức Thọ được trao tặng giải Nobel hòa bình năm 1973 cùng với Cố vấn Ngoại giao của Mỹ Henry Kissinger, nhưng ông từ chối nhận giải với lý do hòa bình vẫn chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam. Đây là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt cho đến nay.
Một nguyên nhân sâu xa nữa, như ông đã chia sẻ, những công việc ông làm luôn gắn với công việc của Đảng, của cách mạng nên ông không tách mình khỏi tập thể, khỏi cái chung. Do đó nếu có thành tích hay công lao thì trước hết công lao, thành tích đó đều thuộc về Đảng, về nhân dân chứ không phải của riêng cá nhân ông.
Tôi hiểu và học tập được tinh thần của ông, đó là ông luôn đặt lợi ích của Đảng, cách mạng, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân và gia đình. Người cộng sản chân chính là như thế. Xã hội hiện nay có thể có những quan niệm khác, nhưng xã hội lúc đó là thế, khi chiến tranh, người ta có thể sẵn sàng dỡ nhà cửa để làm đường cho xe qua, có thể hy sinh mọi thứ, kể cả tính mạng mình. Huống hồ những người nắm giữ vai trò lãnh đạo cách mạng như ông lúc đó lại càng phải gương mẫu.
PV: Sinh thời, ông thường răn dạy các con điều gì?
Ông Lê Nam Thắng: Trong những khoảng thời gian rỗi ít ỏi, Ba tôi thường kể vắn tắt câu chuyện về cuộc đời ông về những năm tháng gian khó trong lao tù của đế quốc. Những lúc ấy, Ba tôi chỉ dặn: “Con phải nhìn vào tấm gương của ba và các chú (Đại tướng Mai Chí Thọ - Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Đinh Đức Thiện - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bà nội tôi nuôi các nhà lãnh đạo cách mạng như bác Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh nên được Nhà nước tặng Bằng có công với nước), phải tiếp thu và giữ gìn truyền thống cách mạng của gia đình, phải làm sao để truyền thống đó tiếp tục được phát huy, được nhân lên chứ không để bị ảnh hưởng. Trong bất cứ việc gì, khi làm phải luôn nghĩ đến gia đình, bố mẹ và tấm gương của những người đi trước. Đó là những lời răn dạy của ông mà tôi luôn ghi nhớ.
PV: Khi trưởng thành, có khi nào ông cảm thấy áp lực trước truyền thống gia đình, trước người cha nổi tiếng và tài giỏi như vậy?
Ông Lê Nam Thắng: Bên ngoài ông là nhà lãnh đạo tài giỏi, nhưng trong cuộc sống gia đình, ông giản dị, đối xử, yêu thương con cái như bất cứ người cha nào. Ông không tạo ra bất kỳ áp lực nào cho con cái. Ông chỉ khuyên răn con cái phát huy truyền thống gia đình, giữ gìn đạo đức, chú tâm học tập chứ không áp lực rằng con của ông thì phải học giỏi, phải thành tài hay phải có vị trí này, kia.
PV: Đã có lúc nào gặp khó khăn trong cuộc sống, ông nghĩ rằng mình phải nhờ đến “vai trò, vị trí” của ba mình?
Ông Lê Nam Thắng: Điều mà tôi thường nghĩ tới những lúc khó khăn nhất đó là những năm tháng cách mạng khi Ba tôi bị địch bắt giam, bị lưu đày đi các nhà tù trong hơn 10 năm trời, để tự động viên mình rằng những khó khăn tôi đang gặp phải không là gì so với những gian nan, vất vả Ba tôi đã chịu đựng và vượt qua.
PV: Đã từng giữ cương vị cao ở Bộ Thông tin và Truyền thông, ông có nghĩ Ba ông đã hài lòng về mình?
Ông Lê Nam Thắng: Tôi đã rất nỗ lực để sống tốt, công tác tốt theo lời cha mình dặn, nhưng có lẽ mong muốn của ông đối với tôi chắc hẳn là hơn thế (không phải thành tích hay địa vị mà là phẩm chất và bản lĩnh).
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV.VN