Học giả Nga: Thông điệp của Việt Nam ở ĐHĐ LHQ mang tính xây dựng và trách nhiệm

Theo Tiến sĩ Korolev, bài phát biểu của lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mang tính xây dựng, bao gồm nhiều vấn đề thời sự...

 

Dưới đây là tóm lược bài bình luận của Tiến sĩ chính trị học Alexander Korolev, trường Kinh tế cao cấp (HSE) với nhan đề “Nghị sự xanh, Cuba, biển: Bài phát biểu của Chủ tịch nước Việt Nam tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc”, đăng trên trang tin nghiên cứu phương Đông (orientaliarossica.com).

Theo Tiến sĩ Korolev, bài phát biểu của lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mang tính xây dựng, bao gồm nhiều vấn đề thời sự. Bên cạnh vấn đề cấp bách về phòng chống Covid-19 và tác động của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu, bài phát biểu nêu một số vấn đề quan trọng khác.

Trước hết là về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải. Hiện nay, chương trình nghị sự xanh được đặt lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận chính thức và trong giới chuyên gia. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam, với tư cách là một trong những quốc gia đang phát triển hàng đầu, đã đề cập đến vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước phát triển cần có trách nhiệm tài chính lớn hơn để thúc đẩy chương trình nghị sự này.

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng LHQ. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Một điểm nhấn khác trong bài phát biểu đó là Việt Nam tuyên bố sự ủng hộ dành cho Cuba và đặc biệt là người dân Cuba. Tuyên bố của Việt Nam thể hiện sự đoàn kết với Cuba, đồng thời cho thấy mong muốn của Việt Nam chống lại chủ nghĩa bảo hộ, các lệnh trừng phạt đơn phương và việc thực thi chính sách đối ngoại "cưỡng ép". Quan điểm của Việt Nam phù hợp với chính sách ngoại giao và kinh tế của đất nước trong những thập kỷ gần đây. Đó là chính sách “đa phương hoá, đa dạng hoá”, mở rộng quan hệ đối tác và thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích sản xuất trong nước và tăng nguồn cung xuất khẩu.

Việt Nam cho thấy là một quốc gia có trách nhiệm, ủng hộ việc giải quyết mọi xung đột vũ trang bằng biện pháp hoà bình và dựa trên quan điểm chiến lược. Điều này được thể hiện ở quan điểm về vấn đề ổn định ở Afghanistan. Cần nhấn mạnh rằng, hiện nay không ít các phần tử cực đoan từ Trung Đông và Trung Á đang hướng đến Đông Nam Á (Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar). Do đó, sự xuất hiện của bất kỳ điểm nóng bất ổn nào ở các nước láng giềng của Việt Nam đều gây ra mối đe dọa không chỉ đối với khu vực, mà còn đối với an ninh quốc gia của nước này.

Cuối cùng, một phần riêng biệt của bài phát biểu đề cập vai trò trung tâm của ASEAN trong việc định hình cấu trúc khu vực về kinh tế và an ninh. Trên thực tế, mặc dù Việt Nam gia nhập ASEAN muộn hơn nhiều nước trong khu vực, song có những đóng góp rất tích cực để Hiệp hội tăng khả năng cạnh tranh, cũng như tạo ra những lựa chọn đa dạng hơn trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc, khi nước này có xung đột ở Biển Đông với nhiều nước trong khu vực. Các hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đặt ra một thách thức đối với Việt Nam và các nước. Do đó, với trách nhiệm cao, Việt Nam tích cực kêu gọi sớm thay thế Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, vốn đã lỗi thời, bằng một Bộ Quy tắc ứng xử tiên tiến hơn cho các bên ở Biển Đông./.

PV/VOV-Moscow

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận