Chấm dứt việc nợ văn bản ảnh hưởng đến triển khai luật

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai thi hành pháp luật.

 

Sáng 29/9, thẩm tra về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai thi hành pháp luật.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, từ ngày 1/10 năm ngoái đến nay đã ban hành 94 văn bản pháp luật, hiện còn 8 văn bản còn nợ đọng. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng 55 văn quản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật đánh giá công tác xây dựng pháp luật để triển khai thi hành Hiến pháp còn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Việc tổ chức thi hành pháp lệnh, nghị quyết trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, việc áp dụng pháp luật có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, thống nhất. Đáng chú ý, tình trạng nợ văn bản hướng dẫn vẫn thi hành pháp luật đã nhiều lần đề cập nhưng kết quả trên thực tế chưa thực sự có chuyển biến rõ nét.

“Chính phủ cần đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản. Các Bộ, ngành đã rất nỗ lực nhưng 8 văn bản đề nghị có chuyên đề làm riêng 8 văn bản. Nhiều văn bản đã ban hành nhưng chậm so với hiệu lực của luật đã được ban hành trước đó. Đề nghị có đánh giá tác động của việc chậm ban hành văn bản”, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Để khắc phục tình trạng này, các đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết để bảo đảm tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật, có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật. Cần có quy định cụ thể để xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

“Xử lý trách nhiệm theo hướng cá thể hóa trách nhiệm của mỗi chủ thể trình dự án. Nâng cao, quan tâm hơn đến xử lý trách nhiệm để nâng cao trách nhiệm chủ thể được giao xây dựng ban hành văn bản chi tiết”, Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kom Tum đề xuất.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong năm 2021, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành quy định các chính sách cụ thể về miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch…

Tuy nhiên, tổ chức thực hiện ở một số thời điểm, một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời, chưa bảo đảm sự thống nhất, làm ảnh hưởng đến công tác lưu thông hàng hóa, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp nêu thực tế việc thẩm định, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại việc ban hành văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chồng chéo giữa các văn bản các bộ ngành và sự nể nang trong ban hành văn bản.

“Ví dụ Bộ Giao thông Vận tải ban hành văn bản hướng dẫn cho địa phương phòng chống dịch về vận tải hàng hóa thiết yếu, nhưng địa phương thực hiện khác văn bản của Bộ Giao thông Vận tải, hướng dẫn khác Bộ Công Thương, Bộ Y tế... nhưng không có nhắc nhở, hoặc nhắc nhở cầm chừng. Tôi cho đây là sự nể nang, cầm chừng của Bộ ngành, địa phương dẫn đến thực hiện không đúng quy định pháp luật”, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ chú trọng hơn các giải pháp bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai thi hành pháp luật. Đối với các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc soạn thảo trình Chính phủ ban hành.

Với 5 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Phòng, chống ma túy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi Luật có hiệu lực được thực thi nghiêm túc./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận