Đây không phải là các tổ chức tôn giáo mà chỉ là tổ chức phản động đội lốt tôn giáo, là công cụ để tập hợp lực lượng cho những mưu đồ chống phá Việt Nam.
Trong bài viết trước, VOV đã phản ánh về việc xuất hiện các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên thời gian gần đây. Trong đó, nổi lên tổ chức có tên gọi “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam” hay “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”. Tổ chức này được thành lập bởi các đối tượng Fulro lưu vong ở Mỹ, câu kết với những đối tượng trong nước. Bên ngoài hoạt động giống như một tổ chức, nhóm phái Tin lành thuần túy như hát thánh ca, chia sẻ kinh thánh và cầu nguyện nhưng bên trong, chúng tuyên truyền về tư tưởng hẹp hòi, ly khai tự trị để tập hợp lực lượng, tiến tới gây rối, biểu tình, bạo loạn. Mục đích cuối cùng là để thành lập Nhà nước riêng.
Cũng giống như “Tin lành Đề ga”, những đối tượng tham gia “Tin lành đấng Christ” thường bí mật thu thập thông tin về vấn đề dân tộc, tôn giáo không đúng sự thật trong nước, sau đó gửi ra nước ngoài. Khi bị phát hiện, xử lý, chúng sẽ vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người và quyền tự do tôn giáo nhằm tạo sự chú ý và kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức, cá nhân phức tạp ở bên ngoài. Thành viên tổ chức "Tin lành đấng Christ Tây Nguyên" được huấn luyện cách thức đối phó với cơ quan chức năng, cách thức đấu tranh bất bạo động…Theo nhận định của các cơ quan chức năng, đây là hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Quá trình làm việc với cơ quan Công an, những người tham gia “Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” CHPC khai nhận, được sự chỉ đạo từ các đối tượng cầm đầu bên ngoài, họ đi tuyên truyền, vận động, lôi kéo những người thân trong gia đình, các tín đồ sinh hoạt đạo thuần túy nhẹ dạ cả tin khác trong buôn cùng tham gia. Thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng vẫn là những luận điệu cũ, đó là tham gia CHPC để về lâu dài sẽ thành lập “tôn giáo riêng, nhà nước riêng” cho người Tây Nguyên, và nếu sau này “Nhà nước Đề ga” thành công, thì những người tham gia sẽ được chia đất đai, nhà cửa, tài sản, phong chức tước…
Tháng 5 năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế, trong đó đưa ra nhiều nhận định thiếu khách quan về Việt Nam. Không ít thông tin vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử với các nhóm Tin lành ở Tây Nguyên như "Tin lành Đề ga", "Tin lành đấng Christ", kêu gọi Chính phủ Việt Nam “cấp phép cho tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do”.
Xin được khẳng định lại, cả “Tin lành Đề ga” và “Tin lành đấng Christ” đều không được công nhận tại Việt Nam. Đây không phải là các tổ chức tôn giáo mà chỉ là tổ chức phản động đội lốt tôn giáo, là công cụ để tập hợp lực lượng cho những mưu đồ chống phá Việt Nam.
Thời gian qua, tại các tỉnh Tây Nguyên, đa số các chức sắc, tín đồ các tôn giáo được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo thuần túy, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Riêng đối với đạo Tin lành, ngoài 05 tổ chức đã được Nhà nước công nhận (gồm: Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam), Hội thánh Tin lành Cơ đốc Phục lâm, Hội thánh Tin lành Trưởng lão, Hội thánh Truyền giáo Cơ đốc và Hội thánh Tin lành Liên hữu Cơ đốc), vẫn còn một số tổ chức, hệ phái Tin lành chưa được công nhận tư cách pháp nhân, chưa được đăng ký hoạt động (như Tin lành Truyền giảng phúc âm, Tin lành Liên hữu Bắp tít, Tin lành Phúc âm đời đời….) với tổng số hàng chục ngàn tín đồ. Các tổ chức, hệ phái này vẫn được tạo điều kiện để hoạt động ổn định.
Hiện ở Việt Nam có khoảng 1,1 triệu tín đồ theo đạo Tin lành, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Các tổ chức, nhóm Tin lành chưa được cấp đăng ký hoạt động, phần lớn là du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, không có cơ sở thờ tự, chức sắc chủ yếu do tự phong và khác nhau về tiêu chuẩn. Một số tổ chức Tin lành có hệ thống giáo lý không đúng Kinh thánh, lễ nghi và tín lý trái với văn hóa truyền thống của Việt Nam…Những tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận phải hoạt động liên tục tối thiểu trong 5 năm kể từ ngày được cấp “đăng ký sinh hoạt tôn giáo”. Tổ chức tôn giáo đó phải có hiến chương và điều lệ hợp pháp, ban lãnh đạo là người Việt Nam, sinh sống tại Việt Nam, không có án tích, tự chủ trong quản lý tài sản và thực hiện các giao dịch…
Những quy định trên nhằm đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo hoạt động một cách ổn định, đồng thời cũng ngăn chặn việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo...
Thời gian qua, các thế lực thù địch bên ngoài, nhất là số Fulro lưu vong tiếp tục rêu rao ở Việt Nam “không có tự do tôn giáo”, chỉ có “tôn giáo quốc doanh”, không cho các tổ chức Tin lành chưa được đăng ký hoạt động. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn. Việc lợi dụng tôn giáo phục vụ các hoạt động chính trị, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết thì không một quốc gia nào chấp nhận, chứ không chỉ ở Việt Nam. Mỗi tín đồ tôn giáo bên cạnh việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng cần phải thực hiện nghĩa vụ công dân của mình trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Trên thực tế, việc các cơ quan chức năng ở Việt Nam xử lý, bắt giam các đối tượng lợi dụng tôn giáo để kích động, chống phá Nhà nước cũng là bài học đắt giá cho những ai còn nhẹ dạ, cả tin. Nhà nước chỉ xử lý những ai vi phạm pháp luật, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, không xử lý ai vì lý do tôn giáo./.
Theo VOV.VN