Khi Chủ tịch nước đề nghị tôn vinh những tấm gương quên mình chống dịch

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, việc tôn vinh các tấm gương quên mình vì cộng đồng là việc nên làm và cần đẩy mạnh, nhân rộng.

 

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 đang trải qua những tháng ngày cam go. Ở đó, quá nhiều sự hy sinh, mất mát, không sao có thể đong đếm được. Ở đó, có những con người bình dị, quên mình vì cộng đồng, thậm chí hy sinh cả mạng sống. Đó là những bông hoa đẹp. Họ hy sinh như vậy không phải để được tôn vinh nhưng trách nhiệm của những người đang sống là phải ghi nhận sự hy sinh đó.

Để kịp thời động viên đồng bào và chiến sỹ cả nước trong cuộc đấu tranh đẩy lùi và chiến thắng đại dịch COVID-19, Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương phát hiện, đề xuất khen thưởng kịp thời về những thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhất là những tấm gương hy sinh quên mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kể cả những tình nguyện viên và người làm công tác thiện nguyện đang ngày đêm cùng với người dân chống chọi với dịch COVID-19.

Anh Vũ Quốc Cường -chủ quán cơm chay thiện nguyện Cường Béo và ông Phan Văn Quang (68 tuổi) - bảo vệ dân phố kiêm tổ trưởng tổ dân phố 5, KP.1, P.6, Q.4, TP.HCM là 2 trong 18 người được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Ngày 5/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho bà Trần Thị Phương Hằng - nguyên điều dưỡng (hạng IV), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Sở Y tế TP.HCM và ông Trịnh Hữu Nhẫn, bác sĩ (hạng III), nguyên Trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Sở Y tế TP.HCM, đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trước đó, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Huân chương Lao động Hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, 18 cá nhân ở TP.HCM vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truy tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Hoan nghênh việc tôn vinh, khen thưởng của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ đối với những cá nhân, tập thể có thành tích, đóng góp không nhỏ trong cuộc chiến chống dịch bệnh, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ở trong mặt trận chống “kẻ thù” vô hình, mặc dù mặt trận không có tiếng súng nhưng thiệt hại của nó không thua một cuộc chiến tranh.

Từ khi dịch bệnh xuất hiện và bùng phát mạnh ở nước ta, lực lượng tuyến đầu là các y, bác sĩ, các cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và các tình nguyện viên đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, chấp nhận có thể bị lây nhiễm bệnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc của mình để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Song, trước tính chất nguy hiểm, phức tạp của dịch bệnh, nhiều cán bộ, chiến sĩ, người làm công tác thiện nguyện, cứu trợ nhân dân đã “ngã xuống” trong khi thực hiện công việc của mình.

“Những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn là tình cảm đối với đồng bào. Vì vậy, việc tôn vinh các tấm gương này là việc nên làm và sắp tới cần tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng, kịp thời phát hiện những tấm gương quên mình vì cộng đồng vẫn đang ngày đêm chống chọi với Covid-19” – ông Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ.

Ông Trịnh Hữu Nhẫn, bác sĩ (hạng III), nguyên Trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, TP.HCM được truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư và hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19", thời gian qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, những ngày gần đây, hàng ngàn y, bác sĩ, sinh viên trường y và lực lượng công an, quân đội các tỉnh phía Bắc đã gấp rút lên đường, chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam với tâm thế “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Cùng với lực lượng tuyến đầu, ở hậu phương, các tổ công tác cộng đồng, các tình nguyện viên tham gia cứu trợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân; các doanh nghiệp, trí thức, tôn giáo, văn nghệ sĩ… đều có những việc làm, những đóng góp thiết thực nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, công tác khen thưởng có vai trò rất quan trọng. Khen thưởng đúng và kịp thời sẽ động viên mạnh mẽ phong trào thi đua, thúc đẩy phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng, qua đó, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.

Để công tác khen thưởng thực sự trở thành động lực của phong trào thi đua, thời gian tới, không chỉ ở Trung ương mà các địa phương, nhất là cấp xã, phường - nơi gần dân, sát dân nhất cần phát hiện kịp thời, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, thậm chí với những hộ gia đình thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng cũng cần được biểu dương để nhân rộng gương người tốt, việc tốt, chung tay đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn.

Nhắc tới những tấm gương hy sinh quên mình vì cộng đồng ở TP.HCM vừa được Thủ tướng truy tặng Bằng khen, ông Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, tinh thần “vì nhân dân phục vụ” của họ đang để lại niềm cảm phục và cả sự tiếc thương vô hạn trong trái tim người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Sự hy sinh của những tấm gương ấy đã và đang khơi dậy, tiếp thêm động lực cho những trái tim nhân ái, cống hiến vì cộng đồng và xã hội.

“Lòng yêu thương con người là phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, ngay trong chiến tranh hay hoạn nạn, phẩm chất đó lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vì vậy, khi đất nước gặp khó khăn, cần phát huy, khuyến khích phẩm chất này trong nhân dân, đồng thời tôn vinh, nhân rộng gương người tốt, việc hay, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh khen thưởng là đi liền với đấu tranh chống lại những hành vi làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn, hay những hành động lợi dụng dịch bệnh để trục lợi... Những hành vi vi phạm phòng chống dịch bệnh cần được xử lý nghiêm khắc” - ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Các y, bác sĩ ở Hưng Yên tình nguyện lên đường vào Nam hỗ trợ chống dịch.

Ông Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp) cho rằng, trong cuộc chiến chống giặc Covid-19, đã có nhiều cá nhân xung phong, xả thân làm nhiệm vụ tại các điểm, cơ sở cách ly, lấy mẫu tầm soát, tiêm chủng vaccine, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội... họ đều là những tấm gương điển hình rất đáng trân trọng, biểu dương.

Theo đại biểu, công tác thi đua, khen thưởng hiện nay bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại những bất cập, có trường hợp được khen thưởng nhưng tính hiệu quả, tính lan tỏa chưa cao; khen thưởng mà chưa đảm bảo đúng thực chất, đúng thành tích, đúng người, đúng việc. Thậm chí có trường hợp khen thưởng chưa được bao lâu, chính quyền phải ra quyết định hủy bỏ khen thưởng đã ban hành trước đó vì gây ra dư luận không tốt ở địa phương.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

“Tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng để làm sao phù hợp với tình hình thực tế. Thời điểm “chống dịch như chống giặc” như hiện nay, có những cá nhân tiêu biểu, đi đầu trong cuộc chiến rất đáng được biểu dương, khen thưởng, qua đó góp phần khích lệ, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường” - ông Phạm Văn Hòa cho biết./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận