Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh rất khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài ở nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”, cùng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Về phòng, chống dịch COVID-19, với phương châm chỉ đạo là lấy mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sỹ”; kết hợp linh hoạt, hài hòa, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp tổ chức thực hiện tại địa bàn gần dân nhất, sát dân nhất, cụ thể nhất và tiếp nhận, đáp ứng nhanh nhất các yêu cầu của người dân. Đến nay, cả nước đã tiêm khoảng 22 triệu liều vaccine, về cơ bản 22 địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã kiềm chế, ngăn chăn, đẩy lùi được dịch bệnh; trong đó Hà Nội đã phân loại các quận, huyện theo theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp đối với từng vùng, sớm đưa Thủ đô về trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ, công tác phòng, chống dịch ở một số địa phương còn những hạn chế, bất cập. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định về giãn cách xã hội; tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn chưa nghiêm, thiếu sự kiểm tra, giám sát. Thực hiện “4 tại chỗ” một số nơi làm chưa tốt, chưa triệt để, nhất là về trang thiết bị, vật tư y tế; việc huy động và phân bổ các nguồn lực còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh. Thủ tướng đề nghị, các Bộ trưởng chỉ đạo trên tinh thần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cùng với ngành dọc của mình quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong tháng 9. Thủ tướng đặc biệt lưu ý, chúng ta phải hy sinh nhiều lợi ích khi thực hiện giãn cách xã hội; các lực lượng và người dân đã và đang rất vất vả, khó khăn thì phải làm thật nghiêm, thật chặt để đạt mục tiêu, để sự vất vả, hy sinh này không vô nghĩa.
Với các địa phương, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, Thủ tướng yêu cầu Bí thư cấp ủy các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Kiện toàn trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch do Chủ tịch UBND làm chỉ huy trưởng, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, tổ chức ứng trực 24/24, đảm bảo tiếp nhận nhanh nhất, hỗ trợ kịp thời nhất cho nhân dân tại địa bàn. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Thủ tướng nêu rõ: "Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khen thưởng, kỷ luật kịp thời nghiêm minh. Vừa rồi chúng ta thấy một số biện pháp về công tác cán bộ, như hôm qua chúng ta nghe Nha Trang báo cáo. Chính sách thế thôi nhưng để thành phố nhiễm Covid, vừa qua có thay đổi đồng chí Bí thư, thế là tình hình kiểm soát.
Cũng biện pháp ấy, cũng tư tưởng chỉ đạo đấy, rồi cũng hướng dẫn đó, nhưng cán bộ là quyết định của công việc. Tôi trực tiếp chỉ đạo các đồng chí Bí thư, tỉnh đang "xanh rờn" nhưng không có biện pháp để ngăn chặn, đến lúc bấy giờ để nhiễm rất nhanh, khi cần thì phải làm cả đêm. Tỉnh Bắc Giang xét nghiệm cả đêm để khoanh vùng dập dịch, các tỉnh thì cứ hành chính, như vậy là không được. Tôi đề nghị các Bộ, ngành, các đồng chí quan tâm chứ không phải chỉ có Ban chỉ đạo”.
Bên cạnh đó phải bảo đảm lưu thông lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và hàng hóa khác, không để ách tắc; thực hiện nghiêm nguyên tắc “1 cung đường 2 điểm đến” và an toàn dịch bệnh trong sản xuất kinh doanh. Cung cấp đầy đủ, kịp thời thực phẩm tới tận tay người dân trong các khu vực cách ly, không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm. Chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để các đối tượng lợi dụng dịch bệnh gây bất ổn xã hội.
Phát huy tối đa vai trò của hệ thống thông tin cơ sở, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể nhân dân và chuyên gia, nhà khoa học trong tuyên truyền, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch, để cho dân biết, dân hiểu rõ, hiểu đúng và dân đồng lòng ủng hộ với tính thần chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: "Phải kêu gọi vận động người dân chia sẻ, người dân tham gia vào việc này. Người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm trong phòng chống dịch. Các cấp chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng phải tổ chức thật tốt, phải kêu gọi nhân dân, vận động nhân dân, nâng cao ý thức của người dân để phòng chống dịch. Chỗ nào xảy ra dịch thì phải nhanh chóng dập dịch. Có ổ dịch là phải phong tỏa, xét nghiệm thần tốc, nhanh chóng đưa các F0 ra khỏi cộng đồng, có chăm sóc, điều trị phù hợp. Truy vết F1 để cách ly, biện pháp này tất cả các nước đang quyết tâm làm để phòng chống để ngăn chặn dịch bệnh".
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Bộ Kế hoạch-Đầu tư xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng. Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác; giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Khẩn trương xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tôi đề nghị tập trung cho đầu tư công, tập trung cho phát triển hạ tầng bao gồm cả hạ tầng cứng và mềm. Các Bộ, ngành có liên quan đến việc này, tôi đề nghị các đồng chí triển khai, còn những nơi nào không giải ngân được dứt khoát là cắt, không có dự án thì cắt bỏ, tập trung cho những dự án và đang triển khai tốt. Sắp tới, tôi sẽ ngồi họp với các Bộ, ngành, các địa phương mà có giải ngân dưới 40%, dưới trung bình của cả nước, chúng ta xem xét, để điều chỉnh cho phù hợp, xác định trách nhiệm phải rõ ràng".
Thủ tướng yêu cầu cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; khẩn trương triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh; tiếp tục nghiên cứu, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Về duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, Thủ tướng yêu cầu xây dựng tiêu chí về vùng an toàn; tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ; thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm; duy trì, tạo thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh, bảo đảm hiệu quả, an toàn.
Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế; đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 hiệu quả, thiết thực; triển khai, tổ chức năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn; đôn đốc chỉ đạo, đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo Chỉ thị 22/CT-TTg. Bảo đảm vững chắc quốc phòng; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, trong đó có “ngoại giao vaccine”; thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Về công tác truyền thông, Thủ tướng yêu cầu tăng cường truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19, phổ biến các kiến thức phòng, chống dịch. Chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân, kiến nghị của doanh nghiệp. Phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thông tin, truyền thông, nhất là mạng lưới thông tin cơ sở. Tăng cường quản lý; kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu, độc, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ cũng cơ bản thống nhất nội dung trong tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025./.
Theo Vũ Khuyên/VOV