Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Cuộc họp diễn ra sau hơn 1 tuần Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 được kiện toàn.
Điểm đặc biệt ở cuộc họp này là, không chỉ kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, mà còn tới 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước, để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng chống dịch thời gian tới.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn viễn thông, một hệ thống chỉ huy, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo hướng dẫn phòng chống dịch từ nơi làm việc của Thủ tướng đến tận cấp xã, phường, thị trấn đã được thiết lập.
Tuy nhiên Thủ tướng nêu rõ, việc thiết lập hệ thống như vậy không có nghĩa là Thủ tướng hay Ban chỉ đạo làm thay, không có chuyện tỉnh làm thay huyện, huyện làm hộ xã. “Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì mỗi cấp phải làm việc của mình, cấp trên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới báo cáo, đề xuất cấp trên, ai vào việc đấy, đúng vai thuộc bài, không ai làm thay ai, tất cả phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá cao cách làm này, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định, việc tổ chức một cuộc họp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Việc tổ chức cuộc họp tới tận cấp xã, phường, thị trấn một mặt để thống nhất các hành động chống dịch, mặt khác tạo điều kiện, khuyến khích những mô hình chống dịch khác nhau phù hợp với diễn biến dịch bệnh khác nhau ở từng địa phương.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, việc Thủ tướng họp với tất cả các cấp của 63 tỉnh, thành phố đảm bảo chúng ta có một bức tranh đầy đủ, hiện thực hơn ở tất cả các địa phương thay cho cách thức báo cáo chung chung trước đây. Cách làm ấy có thể giúp Chính phủ nắm rõ thông tin, báo cáo trực tiếp từ các địa phương, trên cơ sở đó xây dựng giải pháp ứng phó với dịch phù hợp nhất với bối cảnh ở từng địa phương.
“Tôi cũng cho rằng, đó là cách làm việc dân chủ, tạo điều kiện cho các địa phương thông tin tình hình cụ thể ở địa bàn mình đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể. Không chỉ tạo ra sự thống nhất, sự đồng thuận ở các cấp mà việc các địa phương được nắm rõ tình hình dịch ở địa phương khác cũng rất quan trọng, các cấp nắm thông tin thông suốt hơn. Cách làm như thế là hiệu quả và rất đáng hoan nghênh”, Nhấn mạnh như vậy, đồng thời bà Khuất Thu Hồng đề nghị Chính phủ cần duy trì cách làm việc này trong thời gian tới, cũng như trong các tình huống khẩn cấp khác, kể cả sau này trong điều hành chung của Chính phủ.
“Chúng ta có công nghệ để có thể tổ chức các cuộc họp như vậy, tiết kiệm được ngân sách, đặc biệt là rất hiệu quả. Không chỉ Chính phủ, mà các địa phương càng cần phải duy trì cách làm này để thông tin luôn được cập nhật một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất, đặc biệt trong những hoàn cảnh khẩn cấp, việc tổ chức họp như vậy đảm bảo cho lãnh đạo cơ quan đầu não, cơ quan xây dựng chiến lược nắm được thông tin cập nhật và đầy đủ”- bà Hồng cho hay.
Khẳng định các chỉ đạo chống dịch của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tế của từng địa phương, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thủ đô nhấn mạnh, những đổi mới đó thể hiện sự sâu sát của Thủ tướng.
Hoan nghênh Thủ tướng sử dụng CNTT để truyền đạt chỉ đạo, quyết tâm của mình trong công tác chống dịch tới tận các xã, phường, thị trấn, PGS.TS Bùi Thị An cho đây là cách thức chỉ đạo rất quan trọng bởi những yêu cầu chính thức của Thủ tướng, của Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch được chuyển trực tiếp đến các đơn vị hành chính thấp nhất và qua đó đến với người dân, hạn chế được tình trạng chậm trễ, “tam sao thất bản” khi phải qua nhiều tầng nấc trung gian.
Việc Thủ tướng tổ chức cuộc họp trực tuyến tới tận các xã, phường, thị trấn theo vị đại biểu Quốc hội khóa XIII sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, lãnh đạo các đơn vị hành chính thấp nhất trực tiếp lĩnh hội chỉ đạo từ người đứng đầu Chính phủ, như vậy sẽ nhận thức nhanh, kịp thời và đầy đủ ý nghĩa từng chỉ đạo của Thủ tướng.
“Không chỉ cuộc họp lần này, theo tôi có lẽ từ giờ trở đi, Chính phủ cũng như các địa phương nên duy trì các cuộc họp giao ban trực tuyến đến các xã, phường, nơi nào có điều kiện có thể đến các tổ, để người dân cùng được trực tiếp tiếp nhận chỉ đạo. Có vậy người dân mới nhận thức được đầy đủ vai trò, vị trí của mình trong cuộc chiến chống dịch, để đồng thuận cùng Chính phủ vượt qua dịch bệnh”.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, bài học về sức mạnh nhân dân đã được chứng minh trong suốt quá trình lịch sử của đất nước, và giờ đây tiếp tục phát huy trong cuộc chiến chống dịch, như Thủ tướng nêu rõ, mỗi xã phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ”, người dân nhận thức được phòng chống dịch đầu tiên là để bảo vệ họ, sau đó là bảo vệ khu vực mà họ đang sống. Trong công tác chống dịch, nếu người dân không hiểu biết, không tham gia thì công tác quản lý dù có làm tốt đến mấy cũng khó đạt được hiệu quả. Người dân phải là gốc, là trụ cột trong cuộc chiến chống dịch, có vậy mỗi “pháo đài” mới thực sự vững chắc./.
Theo Thanh Hà/VOV.VN