“Một Việt Nam hòa bình và phát triển mạnh mẽ với những con người chịu khó và thân thiện”. Đó là cảm nhận của các nhà ngoại giao, doanh nhân và người dân Ai Cập khi nói về Việt Nam. Đến Việt Nam với nhiều lý do khác nhau, nhưng ở họ có điểm chung đó là yêu mến đất nước và con người nơi đây và thậm chí họ còn ở lại nhiều năm để sinh sống và làm việc.
4 năm làm Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam, ông Youssef Kamal Botros Hanna may mắn được đi đến nhiều địa danh từ Bắc tới Nam, được thưởng thức nhiều món ăn ẩm thực và có nhiều người bạn Việt Nam.
Điều mà Đại sứ Youssef ấn tượng nhất là sự phát triển của Việt Nam, con người nơi đây năng động. Bởi từ một đất nước đói nghèo, bị đô hộ và bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam ngày nay đã phát triển vươn tầm khu vực và thế giới về kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư cũng như đời sống xã hội.
Đại sứ Youssef Kamal Botros Hanna cho biết, ông đã chứng kiến sự phát triển của Việt Nam. Kể từ ngày Việt Nam tuyên bố độc lập năm 1945 đến nay, ông thấy Việt Nam thực sự phát triển trước hết là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng hạ tầng và sự nỗ lực rất lớn trong kinh tế tư nhân.
"Tôi may mắn được chứng kiến sự phát triển này của Việt Nam và chứng kiến những chính sách đổi mới của Chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính phủ và nhân dân Ai Cập luôn theo dõi và học hỏi kinh nghiệm phát triển to lớn của Việt Nam” - ông Youssef Kamal Botros Hanna chia sẻ.
Cũng như Đại sứ Youssef, anh Abdul Aziz Ibrahim, một nhiếp ảnh gia tự do người Ai Cập đến Việt Nam du lịch và rồi anh đã ở lại đây hơn 3 năm vì sự cuốn hút của cuộc sống, phong cảnh từ miền núi tới miền xuôi, từ vùng biển tới các vùng rừng nơi đây.
Bản thân anh và những người Ai Cập từng đến Việt Nam đều cảm nhận người dân nơi đây rất vui vẻ, cởi mở và hiếu khách, tạo cho du khách nước ngoài cảm giác thân thiện. Anh rất ngưỡng mộ đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người Việt Nam. Ngoài ra, một yếu tố khác để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn bởi có nhiều khu du lịch tự nhiên rất đẹp, có sự đa dạng về văn hóa và phong tục tập quán với hơn 50 dân tộc cùng sinh sống trên mọi miền đất nước.
"Đồ ăn của Việt Nam cũng rất ngon, đặc biệt là món phở truyền thống. Tôi đã đi thăm quan nhiều nơi, làm quen với những người bạn mới và cảm nhận Việt Nam không hề xa lạ, mà gần gũi như chính đất nước hay nhà của mình vậy” - anh Abdul Aziz Ibrahim cảm nhận.
Tình yêu Việt Nam của Ibrahim vẫn cháy bỏng, chính vì vậy anh đang ấp ủ sẽ tổ chức một triển lãm ảnh tại Ai Cập với chủ đề “Việt Nam – hành trình khám phá” để giới thiệu cho người dân hiểu rõ hơn về Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn về du lịch và văn hóa. Anh khẳng định sẽ trở lại Việt Nam sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát để có cơ hội đi thăm quan thêm các địa điểm du lịch mà anh chưa có dịp đặt chân tới.
Tình yêu Việt Nam của doanh nhân Hany Badry với hơn 10 năm sống tại Việt Nam là giới thiệu các món ăn ngon và độc lạ với người dân Ai Cập và Trung Đông. Anh đang xây dựng nhà hàng Việt Nam tại Ai Cập mang tên Hồ Chí Minh ở Cairo vừa để mọi người biết tới ẩm thực Việt, vừa bày tỏ sự ngưỡng mộ về Anh hùng, Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.
“Tôi muốn cửa hàng trang trí theo phong cách Việt, mang tên Hồ Chí Minh bởi Người là vị Chủ tịch nổi tiếng trên thế giới, là người mang lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam và đưa đất nước tới thống nhất Bắc Nam. Tư tưởng và tấm gương của Người đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển và hùng mạnh như ngày nay. Tôi cũng kính trọng và yêu quý Người như người Việt Nam vẫn gọi “vị cha già dân tộc” - Hany Badry chia sẻ.
Ngưỡng mộ và yêu quý Việt Nam là tình cảm chung của bạn bè quốc tế và người dân Ai Cập. Bởi cùng với sự phát triển kinh tế, đầu tư ở khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, du khách. Hình ảnh Việt Nam đang ngày càng lan tỏa năm châu là minh chứng cho điều đó./.
Ngọc Thạch/VOV-Cairo