Việt Nam đồng thuận thiết lập Đối thoại AIPA và Nghị viện châu Âu

Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa AIPA và nghị viện Quan sát viên.

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 42 (AIPA 42) diễn ra theo hình thức trực tuyến, sáng nay 25/8, Ủy ban Tổ chức đã họp và xem xét nhiều dự thảo Nghị quyết quan trọng. Đoàn Việt Nam do bà Lê Thu Hà – Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội dẫn đầu tham dự cuộc họp và đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung cụ thể.

Đẩy mạnh sự tham gia của các nghị viện quan sát viên

Ủy ban Tổ chức đã thảo luận và thống nhất về hướng dẫn và quy trình đối thoại AIPA-ASEAN. Nêu quan điểm về vấn đề này, Việt Nam nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác giữa ASEAN và AIPA. Tuy nhiên, cần thay đổi tên gọi của cơ chế này, không gọi là “Đối thoại” ASEAN và AIPA vì Ban Thư ký ASEAN không đủ thẩm quyền để đại diện cho ASEAN để đối thoại với các nghị sỹ AIPA.

Vì vậy, cần nghiên cứu và tham vấn thêm để tìm ra cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp giữa AIPA và ASEAN, tham khảo kinh nghiệm của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức phiên họp điều trần IPU - Liên hợp quốc hàng năm, là cơ hội để các nghị sỹ thảo luận và nghe báo cáo cập nhật của đại diện Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Theo đoàn Việt Nam, có thể gọi cơ chế này là họp điều trần AIPA-ASEAN. Tại các phiên điều trần, đại diện của Ban Thư ký ASEAN đến và báo cáo các nghị sỹ AIPA cập nhật hoạt động của ASEAN và nghe các đề nghị của các Nghị sỹ AIPA. Thông thường nên chọn một chủ đề chính cho phiên họp điều trần để những ý kiến đóng góp tại thảo luận được tập trung hơn. Báo cáo phiên họp sẽ được chuyển tới Chủ tịch ASEAN và các nước thành viên ASEAN.

Cũng trong phiên làm việc, nghị viện các nước thành viên nhất trí thiết lập Đối thoại AIPA-EP. Để làm sâu sắc thêm, tăng cường mở rộng mối quan hệ của Nghị viện châu Âu (EP) và AIPA, hai bên đã nhất trí tổ chức một phiên họp liên khu vực và phiên họp đã được tổ chức thành công qua hình thức trực tuyến vào ngày 22/6/2021. Trên cơ sở thành công của phiên đối thoại đầu tiên cũng như mong muốn tiếp tục tăng cường đối thoại giữa hai bên, Ban Thư ký AIPA có sáng kiến thành lập Đối thoại thường niên liên khu vực ngoài khuôn khổ Đại hội đồng AIPA.

Việt Nam đồng thuận với đa số ý kiến của các nghị viện thành viên AIPA về sáng kiến này của Ban Thư ký AIPA và cho rằng, đây là cơ hội để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa AIPA và nghị viện Quan sát viên.

AIPA cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các nghị viện quan sát viên AIPA nhằm đạt được những kết quả hợp tác cụ thể và thiết thực hơn đối với AIPA. Các cơ chế đối thoại riêng, ngoài khuôn khổ Đại hội đồng cũng là một hình thức đưa quan hệ hợp tác giữa AIPA và EP vào chiều sâu thực chất, song hành với sự phát triển của quan hệ đối tác ASEAN-EU.

Về dự thảo nghị quyết công nhận các Quan sát viên của AIPA, nhiều ý kiến thảo luận bày tỏ chưa thống nhất. Việt Nam ủng hộ sự mở rộng quan hệ đối tác giữa AIPA và các nghị viện, tổ chức nghị viện khác trên thế giới, đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, phải củng cố vai trò của AIPA, đáp ứng các tiêu chí kết nạp quan sát viên mà AIPA đã thông qua trước đó. Việc kết nạp quan sát viên mới của AIPA cần được cân nhắc thêm, tính đến tính hiệu quả thiết thực, ưu tiên những đối tác đang có hợp tác tích cực với ASEAN và AIPA.

AIPA 43 sẽ được tổ chức tại Campuchia vào năm 2022

Tại phiên họp, Ủy ban Tổ chức cũng thống nhất việc vinh danh trao giải cống hiến xuất sắc AIPA. Nghị quyết này ghi nhận những đóng góp to lớn, nhiều ý nghĩa và những cống hiến của bà Kittisethabindit Cheam Yeap - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng và Kiểm toán, Chủ tịch nhóm AIPA của Quốc hội Campuchia và ông Fadli Zon - Chủ tịch Ủy ban hợp tác Liên nghị viện, Hạ viện Indonesia, đóng góp vào sự phát triển của AIPA và ngoại giao nghị viện đa phương trong khu vực.

Các nghị viện thành viên cũng thông qua các dự thảo Nghị quyết về ghi nhận những đóng góp của Ngài Pehin Dato Awang Haji Abdul Rahman Taib với tư cách là Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ từ tháng 9/2020 đến khi kết thúc Đại hội đồng AIPA 42.

Liên quan đến nội dung này, Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến của các Đại biểu Quốc hội, nghị sĩ các nước đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển của AIPA, những đóng góp mang tính chất đối thoại và xây dựng, vì sự hợp tác, thống nhất và vì tương lai của AIPA và ASEAN.

Về thời gian và địa điểm tổ chức AIPA 43, các ý kiến cũng thống nhất theo Quy chế AIPA quy định địa điểm tổ chức Đại hội đồng dựa trên cơ sở luân phiên theo bảng chữ cái tên nước của nghị viện thành viên. Theo đó, AIPA 43 sẽ được tổ chức tại Campuchia vào năm 2022.

Trong khuôn khổ phiên làm việc, các nghị viện cũng xem xét dự thảo Quy trình thủ tục của Hội nghị sĩ trẻ AIPA do Ban Thư ký xây dựng trên cơ sở sáng kiến của chủ nhà Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA 41 năm 2020. Ý kiến thảo luận đều nhất trí đánh giá tầm quan trọng của việc tạo điều kiện để các nghị sỹ trẻ tham gia tích cực hơn vào các nội dung của AIPA, cũng như đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, do chưa thống nhất một số nội dung như giới hạn độ tuổi tham gia nên có ý kiến đề nghị thành lập nhóm làm việc để tiếp tục nghiên cứu.

Trong sáng nay, các nghị viện thành viên cũng thảo luận và nhất trí cho phép sử dụng Quỹ đặc biệt AIPA chi trả chi phí hoạt động tại trụ sở mới của Ban Thư ký AIPA và tăng lương cho cán bộ Ban Thư ký AIPA; Dự toán Ngân sách 2021-2022; Báo cáo Thường niên Ban Thư ký 2020-2021 và sửa đổi Quy chế AIPA, Hướng dẫn Quy trình thủ tục đăng cai tổ chức ĐHĐ AIPA./.

Ngọc Thành/VOV.VN
 

Bình luận

    Chưa có bình luận