Đại biểu Quốc hội phải 'kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ'

- Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trong quá trình vận động bầu cử.

 

Sáng 13/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Cử tri đánh giá cao nỗ lực phòng, chống Covid-19

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, cử tri và nhân dân đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan Đảng, nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức thành công cuộc bầu cử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,60%; bầu một lần đủ đại biểu Quốc hội, đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh và cơ bản đủ đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; chất lượng đại biểu được nâng lên, cơ cấu, thành phần cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

“Thành công của cuộc bầu cử thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tin tuyệt đối của cử tri và nhân dân đối với Đảng, nhà nước và chế độ” – báo cáo nhấn mạnh.

Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, cử tri và nhân dân cảm nhận sâu sắc thời gian vừa qua, Đảng, nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng, nhà nước sớm đề ra và thực hiện quyết liệt các biện pháp "5K + vaccine"; nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm phòng cho người dân, trong đó tập trung ưu tiên cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp.

Việc thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 đã thu hút được sự quan tâm, nhiệt tình ủng hộ của đông đảo người dân, doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài; qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sẵn sàng chia sẻ với ngân sách nhà nước, góp phần chung tay cùng Chính phủ sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Về nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri mong muốn Đảng, nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, có biện pháp kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong việc thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy chức, chạy quyền"; loại bỏ ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ thoái hóa, biến chất.

Các ý kiến cử tri cũng đề nghị sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức để họ yên tâm công tác, góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Về kiến nghị, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử; phát huy trí tuệ, gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó máu thịt với nhân dân theo phương châm “tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ”.

Cử tri cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chú trọng giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, công trình trọng điểm và công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chính phủ cần tiếp tục quan tâm bổ sung, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đủ mạnh để góp phần phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, minh bạch thông tin về tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực trình bày báo cáo tại phiên họp 58 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm, hạn chế

Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV là kỳ họp đặc biệt, do đó ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến cần gắn với các nội dung của kỳ họp thứ nhất, nhấn mạnh thêm tính chính trị, tư tưởng chung của toàn dân tin tưởng vào nhiệm kỳ mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần đặc biệt nhấn mạnh về việc phản ánh sâu sắc hơn về ý nghĩa, sự tham gia chung sức, đồng lòng của nhân dân góp phần vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo cần bảo đảm sự khách quan, phản ánh đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân. Trong đó cần bổ sung ý kiến đánh giá của dư luận nhân dân về công tác bầu cử, thẳng thắn nhìn nhận về những khuyết điểm, hạn chế của công tác bầu cử mà cử tri và nhân dân đã chỉ ra; đánh giá về các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; kỳ vọng của cử tri và nhân dân về nhiệm kỳ 2021-2026…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đồng thời đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất./.

Ngọc Thành/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận