Thu hồi hơn 30% tài sản tham nhũng, thất thoát - Bất cập từ chính sách?

Việc thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt còn hạn chế, đặc biệt việc hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài còn vướng mắc.

 

Thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước ta trong việc nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Tuy vậy, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do tham nhũng vẫn là điểm yếu, đạt hiệu quả thấp. Một trong những nguyên nhân chính là do cơ chế, chính sách, pháp luật trong công tác này còn bất cập, cần sớm khắc phục.

Theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát thời gian trước năm 2013, trung bình chỉ đạt 10% trên tổng số phải thu hồi. Giai đoạn 2013- 2020, con số này đạt hơn 32%. Riêng kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về tham nhũng theo dõi, chỉ đạo năm 2020, thu hồi bằng 61% tổng số đã thu hồi được từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt vẫn còn hạn chế, đặc biệt là việc hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài còn khó khăn, vướng mắc.

Khách mời tham dự Chương trình Đối thoại trên sóng VOV 1 về chủ đề thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát.

Kiểm soát tài sản: Ngăn chặn từ đầu hành vi tham nhũng

Trao đổi trong Chương trình Đối thoại trên sóng VOV1 mới đây, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: Thường trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, ở giai đoạn tiền điều tra như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã “đánh động” cho đương sự. Quá trình điều tra lại kéo dài, rất khó để bắt quả tang như các vụ án hình sự đâm chém hoặc cướp của…

“Quá trình điều tra dài thì đối tượng phạm tội hình dung được hậu quả đằng sau là gì. Mục đích của hoạt động tham nhũng chính là “ăn cắp” và ngay từ đầu, họ đã tính toán việc giấu diếm tài sản nếu bị phát hiện. Đây là loại án cực kỳ khó. Và cũng không phải lúc nào chúng ta cũng kê biên ngay lập tức vì phải có căn cứ pháp lý. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử thì tài sản còn lại chẳng được bao nhiêu. Như vậy, ngoài nguyên nhân từ quá trình điều tra thì còn có nguyên nhân là khâu quản lý. Chúng ta chưa tạo được khung pháp lý để kiểm soát tài sản của công dân nói chung chứ không riêng cán bộ, công chức”.

Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: thanhtra.com.vn)

Ông Phí Ngọc Tuyển nêu khó khăn, vướng mắc như trên đồng thời nhấn mạnh:  “Chúng ta phải như các nước, phải quản lý được tài sản công dân. Nếu anh mua một tài sản lớn, anh phải giải trình nguồn tiền từ đâu thì anh mới được sở hữu, nếu anh thành lập một doanh nghiệp với số vốn rất lớn, anh cũng phải giải trình số vốn đó có được do đâu…Chúng ta chưa có nền tảng pháp lý đó. Chúng ta đã rất nhiều lần đề nghị ban hành Luật thuế tài sản, một trong những căn cứ rất quan trọng để kiểm soát tài sản thì chúng ta lại chưa ban hành được. Hiện nay, chúng ta đang có một luật rất tốt là Luật thuế thu nhập cá nhân, đó là một cơ sở tốt nhưng dứt khoát, chúng ta phải có luật thuế tài sản. Tất cả những cái đó phải được quản lý bằng hệ thống cơ sở dữ liệu chung và nó được kết nối với nhau. Lúc đó, chúng ta sẽ kiểm soát được, ngăn chặn được ngay từ ban đầu hành vi tham nhũng.

Tiền tham nhũng có thể được đưa vào quá trình từ thiện, xã hội

Cũng trong Chương trình đối thoại trên, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: Đối với các vụ án tham nhũng, điều quan trọng nhất là phải thu hồi được tài sản về cho nhà nước chứ không chỉ dừng ở việc xử lý cán bộ, xử lý người tham nhũng và tiếp tay cho tham nhũng. Tử hình một người vì tham nhũng cũng chỉ giải quyết được một nửa vấn đề, quan trọng là thu hồi được tài sản người đó tham nhũng.

“Ở đây, có một vấn đề rất đáng lưu ý là hoạt động rửa tiền còn rất phức tạp. Chúng ta đang thiếu tính liên thông, liên thẩm trong sử dụng các dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình của chúng ta còn yếu. Hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt của chúng ta cũng yếu”- ông Nhưỡng cho rằng, đó là những khó khăn trong việc xác định tài sản bất mình.

Ông Lưu Bình Nhưỡng.

Về việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trước Quốc hội, một số đại biểu đã đặt vấn đề, tại sao có một số quan chức của chúng ta, thậm chí cán bộ cấp sở mua nhà cửa, đất đai ở nước ngoài. Tại sao chúng ta không có sự hợp tác quốc tế, các thỏa thuận quốc tế để xác minh và thu hồi những tài sản đó nếu xác định đó là tài sản tham nhũng?

“Chúng ta có một hệ thống pháp luật rất mạnh như Luật phòng chống tham nhũng, Bộ luật hình sự, Luật tố cáo, Luật thanh tra, Luật cán bộ công chức, Luật giám sát của Quốc hội, HĐND, Luật Mặt trận Tổ quốc… Tuy nhiên, tất cả những quy định trong các luật đó chưa thể đạt tới độ hoàn hảo để chúng ta có thể thu hồi được tài sản tham nhũng”- Phó Ban dân nguyện của Quốc hội bày tỏ.

Cùng chung quan điểm, ông Phí Ngọc Tuyển dẫn chứng: “Chúng ta tranh cãi rất nhiều về đối tượng kê khai, mức độ xác minh đến đâu. Chúng ta thường kê khai để đấy mà không xác minh. Tài sản tham nhũng thường biến tướng rất mạnh, có thể chuyển ra nước ngoài, có thể được đưa vào quá trình từ thiện, xã hội, thậm chí sử dụng vào các công trình tâm linh… Chính vì thế, chúng ta cần thiết phải có những quy định chi tiết hơn, bảo đảm quá trình kiểm soát tài sản ngay từ ban đầu và trong quá trình điều tra, xác minh tài sản tẩu tán thì thủ tục xác minh phải rõ ràng, cho người ta cái quyền được xác minh các tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Đặc biệt, đối với những tài sản tăng lên một cách bất thường”.

Theo ông Phí Ngọc Tuyển - Phó cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi tài sản tham nhũng không phải lần đầu tiên chúng ta đề cập tới mà ngay từ năm 2006 đến nay, Đảng đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Tinh thần chung là: Chỉ khi nào thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, thất thoát thì cuộc đấu tranh với tham nhũngmới thành công. Tiền của Nhà nước, tiền của nhân dân phải được thu hồi và trả về, không thể để tiền đó vào tay những “ăn cắp”. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế không được như mong muốn. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều nước trên thế giới.

Do đó, ông Tuyển nhấn mạnh, Đảng đưa ra Chỉ thị 04-CT/TW (2/6/2021) vào thời điểm này để đánh giá toàn diện các giải pháp có liên quan đến việc thu hồi tài sản, trong đó có đề cập những những bất cập của chính sách, pháp luật cũng như quá trình chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là vấn đề con người, chú ý vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong các cơ quan liên quan đến quá trình thu hồi tài sản tham nhũng, từ khâu lập pháp, hoạch định chính sách cho đến việc thực thi các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Tất cả các khâu đó phải được tiến hành đồng bộ./.

Theo Đỗ Minh/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận