Đại biểu Quốc hội không chỉ là một danh xưng mà là phẩm giá, dũng khí

Đại biểu của dân không chỉ là một danh xưng mà còn là tư cách, là phẩm giá, dũng khí của mỗi người.

 

Kiên quyết loại bỏ người không xứng đáng

Ngày 10/6 vừa qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có Nghị quyết 746 về việc không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Việc không xác nhận tư cách người trúng cử của ông Trần Văn Nam trước khi công bố danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy sự nhất quán, nghiêm túc, trách nhiệm của Hội đồng Bầu cử quốc gia từ khi chuẩn bị cho đến khi có kết quả bầu cử vẫn tiếp tục rà soát, xem xét đối với những người không đủ tiêu chuẩn.

Điều này cũng là minh chứng cho quyết tâm “kiên quyết không để lọt người không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, dù bầu thiếu còn hơn bầu sai”, như khẳng định của bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội trả lời phỏng vấn báo chí tại buổi họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Thi Uyên).Công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, kiên quyết không để lọt vào Quốc hội, HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền… gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Đây là nguyên tắc được Bộ Chính trị nhấn mạnh tại Chỉ thị số 45 về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đã được Hội đồng Bầu cử Quốc gia quán triệt, thực hiện nghiêm trong từng bước triển khai công tác bầu cử, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử cho đến công tác hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đến việc tổ chức vận động bầu cử, bỏ phiếu, kiểm phiếu.

Trong gần 45.000 ứng cử viên ở cả 4 cấp, cử tri cả nước đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội khóa XV, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND 3 cấp; số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan về bầu cử chỉ bằng 18% so với cuộc bầu cử trước đó và hầu như chỉ xảy ra ở cấp xã do công tác quản lý đất đai, môi trường…

Những con số này tự nó đã khẳng định sự nghiêm túc, trách nhiệm và kiên quyết đến cùng của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, của Ủy ban Bầu cử các cấp trong việc bảo đảm những người đại diện cho nhân dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước phải thực sự xứng đáng.

Đại biểu Quốc hội cần dũng khí của người hoạt động cách mạng

Có thể thấy, tiêu chuẩn chính là những quy định mà đại biểu Quốc hội phải có được từ quá trình ứng cử. Một trong những tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội, đó là có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Cùng với việc nâng cao năng lực, trí tuệ thì rèn luyện phẩm chất, đạo đức cũng là điều mỗi đại biểu phải chú tâm.

Ông Y Khút Niê (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Đắk Lắk).Không phải bỗng dưng mà đại biểu Y Khút Niê được nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk tin tưởng, yêu mến bầu chọn vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất khóa XIII và XIV. Ông là người đấu tranh đến cùng cho những vấn đề cử tri bức xúc, đặc biệt là quyền lợi của người lao động.

Theo đại biểu Y Khút Niê, đạo đức, phẩm chất đều có sẵn trong mỗi cá nhân từng đại biểu từ khi là ứng cử viên, và đến khi được cử tri tín nhiệm bầu chọn trở thành đại biểu của nhân dân, đạo đức, phẩm chất sẽ được thể hiện trong từng việc làm đối với cử tri. Nếu đại biểu không giữ gìn, rèn luyện, phấn đấu thì phẩm chất, đạo đức ấy rất dễ bị sa sút.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Ở đó, tiếng nói của đại biểu có vai trò vô cùng quan trọng đối với cử tri cả nước. Bởi đó là nơi sinh ra những quyết sách quyết định đến cuộc sống của người dân cũng như vận mệnh của đất nước. Ở đó, đại biểu thể hiện rõ nhất vai trò, trách nhiệm cũng như lương tâm, đạo đức của mình đối với cử tri. Đó cũng là nơi nhân dân đặt trọn niềm tin của mình.

Do đó, theo ông Trương Minh Hoàng (đại biểu quốc hội khóa XIII, XIV), việc gần dân, sát dân, học dân sẽ tốt cho việc điều chỉnh, rèn luyện đạo đức, lương tâm của đại biểu tốt nhất.

“Không ngừng rèn luyện mà cái chính là phải thường xuyên gần gũi với dân để lắng nghe, mình thực sự thuyết phục được người khác, để người dân là người giám sát, người dân kịp thời rèn luyện, trau dồi tốt hơn. Hơn nữa, khi gần dân, chứng kiến cuộc sống, những mảnh đời còn khốn khó sẽ làm lòng trắc ẩn, tâm của mình sáng hơn”, ông Trương Minh Hoàng chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội trong trái tim phải có người dân, phải đau đáu việc dân sướng khổ thế nào. Và đại biểu Quốc hội phải hoạt động trên tinh thần đem lại lợi ích cho người dân, lợi ích quốc gia. Thực tế, các đại biểu đều hiểu, nhưng ra nghị trường chưa hẳn đã làm được, vì vấn đề lợi ích của dân và vấn đề lợi ích của chính quyền đôi lúc có mâu thuẫn nhất định. Và khi ấy, bản lĩnh, sự dũng cảm không né tránh của đại biểu Quốc hội trước những vấn đề gai góc là điều mà cử tri trông đợi.

Ông Nguyễn Lân Dũng - Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII. (Ảnh: Trần Khánh).

Theo ông Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, sự dũng cảm dám đấu tranh vì lẽ phải chính là phẩm chất, đạo đức mà mỗi đại biểu phải có. Sự dũng cảm ấy cũng chính là trách nhiệm trên vai mỗi đại biểu, chứ không phải làm đại biểu vì tăng lương, vì cái oai cho mình.

Vai trò của đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao, do đó hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng giống như hoạt động của người làm cách mạng, phải có dũng khí. Nếu không có dũng khí sẽ không thể có đủ phẩm chất, đạo đức để đem bức xúc của người dân ra nghị trường, không vượt qua được những cám dỗ vật chất và không dám đấu tranh đến cùng vì quyền lợi của người dân./.

Trước trường hợp của ông Trần Văn Nam, Quốc hội khóa XIV cũng từng bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc (đoàn ĐBQH TPHCM) vì không trung thực trong việc báo cáo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ông Trịnh Xuân Thanh không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV do có vi phạm pháp luật, không bảo đảm tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội.

Ở kỳ Quốc hội khóa XIII, bà Châu Thị Thu Nga thuộc đoàn ĐBQH TP Hà Nội cũng bị bãi nhiệm tư cách đại biểu những sai phạm nghiêm trọng trong kinh doanh, xâm hại lợi ích hợp pháp của khách hàng, gây bức xúc, bất bình đối với những người bị thiệt hại, gây ảnh hưởng xấu trong công luận, trong nhân dân.

Liên quan đến vấn đề kê khai hồ sơ ứng cử, bà Đặng Thị Hoàng Yến, đoàn ĐBQH tỉnh Long An cũng bị Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu; ông Mạc Kim Tôn, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình bị bãi nhiệm do lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Do sai phạm trong vụ điện kế điện tử, ông Lê Minh Hoàng, nguyên Giám đốc Công ty điện lực TP.HCM, cũng bị bãi nhiệm.

Uông Huyền/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận