'Chúng ta không ghép định hướng XHCN vào kinh tế thị trường một cách khiên cưỡng'

Theo PGS.TS Đỗ Thế Tùng: "Định hướng XHCN đã nảy sinh chính từ sự phát triển của kinh tế thị trường hiện đại"...

 

Trong bài viết mới đây về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Đánh giá cao bài viết của Tổng Bí thư, các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu luận giải cụ thể hơn về nhận định này.

Sáng rõ hơn nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là khái niệm được chính thức sử dụng trong văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng. Sự lựa chọn này căn cứ từ thực tiễn phát triển đất nước và kết quả nghiên cứu lý luận, thực sự là một sáng tạo trong bối cảnh kinh tế thế giới có sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rất rõ ràng, lý giải băn khoăn của một bộ phận cán bộ, đảng viên về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là như thế nào? Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối.

PGS.TS Vũ Văn Phúc (Ảnh: Vietnamnet)

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương rất tâm đắc về nhận định của Tổng Bí thư “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta”.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, điều đó vừa phù hợp với quy luật phát triển chung của kinh tế thị trường thế giới, vừa phù hợp với đặc điểm lịch sử cụ thể ở nước ta. Bởi vì Việt Nam là nước đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, nền kinh tế chúng ta là nền kinh tế quá độ. Vì vậy, nền kinh tế thị trường của chúng ta cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Theo chúng tôi, nó là một thể thống nhất bao gồm hai mặt. Mặt thứ nhất, đó là nền kinh tế thị trường. Thứ hai là đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cách mạng nước ta", PGS.TS Vũ Văn Phúc nêu rõ.

"Chúng ta không ghép định hướng XHCN vào kinh tế thị trường một cách khiên cưỡng"

Đồng tình với nhận định “Quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã đề cập, PGS.TS Đỗ Thế Tùng - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, dẫn lại thực tiễn: Sở dĩ có người nghĩ rằng, kinh tế thị trường đối lập với chủ nghĩa xã hội là do họ chỉ nghĩ tới kinh tế thị trường tự do cạnh tranh mà quên rằng Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đang phát triển nền kinh tế hỗn hợp, tức là kinh tế thị trường có sự quản lý hay điều tiết của Nhà nước.

PGS.TS Đỗ Thế Tùng cho rằng, trong nền kinh tế hỗn hợp, Nhà nước phải điều tiết, trong đó có điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư để giảm bớt bất công xã hội. Ngày nay không chỉ các nước đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội như nước ta, mà ngay các nước tư bản chủ nghĩa phát triển cao và đang phát triển cũng phải thay đổi quan niệm về phát triển kinh tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trong của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội.

"Trước đây, người ta đồng nhất tăng trưởng kinh tế với phát triển. Ngày nay tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, làm giàu phải đi đôi với xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch thu nhập quá xa giữa các tầng lớp nhân dân thì mới được coi là phát triển, mà tăng trưởng đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội là một trong những nội dung cốt lõi của định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy là định hướng xã hội chủ nghĩa đã nảy sinh chính từ sự phát triển của kinh tế thị trường hiện đại chứ không phải chúng ta ghép định hướng XHCN vào kinh tế thị trường một cách khiên cưỡng. Kế thừa yếu tố tiến bộ, nhằm tiến tới bảo đảm cho mọi người, ai cũng có việc làm, ai cũng được học hành, được ấm no và sống một đời hạnh phúc như cách diễn đạt mộc mạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội", PGS.TS Đỗ Thế Tùng phân tích.

Với việc phát triển và vận hành mô hình kinh tế dựa trên đặc điểm của mình, Việt Nam là “ngôi sao đang lên” trong khu vực, tham gia hội nhập sâu rộng, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 9 bậc trong Báo cáo Thương hiệu Quốc gia 2020 do Hãng định giá thương hiệu Brand Finance thực hiện, với nhận định “Đây là thương hiệu quốc gia trong nhóm tăng hạng mạnh nhất, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu”.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị tiến bộ của loài người

Lý giải về “sức hút” thương hiệu Việt Nam, với mô hình phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nhìn chung thì rõ ràng ai cũng cảm nhận được là chúng ta đi lên, không chỉ so với chính mình như các bộ chỉ số tháng qua có thể nhanh có thể chậm trong từng giai đoạn nhưng đã đi lên trong so sánh với các nước khác khu vực và trên thế giới và không phải chỉ là với những nước có trình độ phát triển như Việt Nam mà trên nhiều khía cạnh thì chúng ta bước đầu có bước đi lên thu hẹp hơn với các nước có trình độ phát triển cao hơn, gắn với cải cách- hội nhập- ổn định kinh tế, gắn với cách truyền cảm hứng, thái độ ứng xử của chúng ta với bên ngoài.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành (Ảnh: PetroTimes)

Tất cả những thành tựu cũng như hạn chế của nền kinh tế trên hành trình quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát trong bài viết. Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, Tổng Bí thư đã chỉ rõ mô hình kinh tế thị trường Việt Nam là hoàn toàn mới: Không phải là kinh tế thị trường theo chủ nghĩa tư bản thuần túy, cũng không phải là mô hình kinh tế thị trường xã hội, mà đang là thời kỳ quá độ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy những điểm tốt nhất của hai mô hình này để tạo ra một động lực phát triển, hướng tới mục tiêu rất phù hợp với tư tưởng cách mạng của Đảng cũng như mục tiêu yêu cầu phát triển của đất nước. Từ đó, theo TS Nguyễn Minh Phong, cần đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện thể chế để có thể thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, thể hiện rõ 8 đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Thể chế của Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII cũng như trong bài viết của Tổng Bí thư có yêu cầu mới rất quan trọng. Đó là phải tuân thủ tất cả các quy luật, quy trình thông lệ tốt và các cam kết hội nhập mà Việt Nam đã tham gia cũng như kinh nghiệm tốt của thế giới, đặc biệt là phải thể chế hóa những cam kết quy định pháp lý thể chế của chúng ta", TS Nguyễn Minh Phong phân tích.

Nội hàm của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị tiến bộ của loài người với mục tiêu cao nhất là tiến bộ và công bằng xã hôi, do con người, vì con người. Các chuyên gia kinh tế thống nhất nhận định, việc ngày càng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nêu trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải hài hòa các quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cũng như tiến trình hội nhập quốc tế. Đây là điều rất quan trọng và trên thực tế đang từng bước thực hiện tại Việt Nam, như đã thể chể hóa rất nhiều những cam kết hội nhập trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…/.

Ngọc Diệu/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận