Sáng 14/6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã thay mặt Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trường Sa Lớn lần đầu bầu cử cùng thời điểm với cả nước
Báo cáo nhấn mạnh, cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thành công rất tốt đẹp, thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân.
“Trong lịch sử 15 lần tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, không kể giai đoạn đất nước có chiến tranh, chưa bao giờ cuộc bầu cử lại diễn ra cam go với nhiều khó khăn, thử thách như cuộc bầu cử lần này, khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân” – ông Bùi Văn Cường cho biết.
Cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện ở số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đi bầu cử lần này rất cao, đạt 99,60% tổng số cử tri cả nước. Lần đầu tiên, cử tri tại thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn), tỉnh Khánh Hòa đã bỏ phiếu bầu cử cùng thời điểm với cuộc bầu cử trên đất liền vào ngày 23/5/2021, thể hiện quyết tâm rất lớn và là bước tiến quan trọng trong công tác tổ chức bầu cử, tăng cường sự gắn kết giữa lãnh thổ Việt Nam trên đất liền và các đảo xa bờ.
Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có nghị quyết không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố (cập nhật đến ngày 9/6/2021), kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 như sau: HĐND cấp tỉnh 3.721 đại biểu, HĐND cấp huyện 22.549 đại biểu và HĐND cấp xã 239.752 đại biểu.
Cả nước không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh nào phải bầu cử thêm. 2 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện ở 2 tỉnh (Kiên Giang và Quảng Ngãi) phải tổ chức bầu thêm 3 đại biểu HĐND cấp huyện. 175 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã ở 157 xã, phường, thị trấn thuộc 22 tỉnh, thành phố phải tổ chức bầu cử thêm 280 đại biểu HĐND cấp xã.
Báo cáo cũng cho biết không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nào phải bầu cử lại. 5 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã ở 3 xã thuộc 2 tỉnh, thành phố (Đắk Lắk và Hà Nội) phải tổ chức bầu cử lại 14 đại biểu HĐND cấp xã.
Nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp kết hợp với kết nối trực tuyến đến tận các xã, phường, thị trấn. Đây là lần đầu tiên việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được thực hiện theo hình thức này. Do đó, số cử tri được tham dự hội nghị để trực tiếp nghe, trao đổi với những người ứng cử về chương trình hành động được tăng lên rất nhiều, được cử tri hoan nghênh.
Số lượng đơn thư gửi Hội đồng Bầu cử Quốc gia chỉ bằng 18% so với kỳ bầu cử trước. Điều này cho thấy cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu, lựa chọn người ứng cử; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những vụ việc đông người, phức tạp đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.
Cuộc bầu cử để lại dấu ấn tốt đẹp
Thành công của cuộc bầu cử cho thấy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện sinh động tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc và niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, được dư luận trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và truyền thông quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cuộc bầu cử là minh chứng cho thấy càng trong khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên, vốn là những giá trị cơ bản làm nên sức mạnh Việt Nam, càng được trỗi dậy, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn
Các ý kiến thảo luận tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao báo cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đồng thời đề nghị phân tích thêm những điểm sáng, lần đầu tiên đạt được của cuộc bầu cử lần này, nhất là có thể mở rộng áp dụng hình thức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó cần nhấn mạnh đóng góp của lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, cấp cơ sở.. cũng như công tác thông tin truyền thông khách quan, đúng thực tiễn, tạo không khí sôi nổi.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cuộc bầu cử là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong năm 2021 được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và vượt qua mọi trở ngại, khó khăn tổ chức thành công rất tốt đẹp về mọi mặt.
“Qua phản hồi dư luận thấy đồng tình với cách xử lý của Hội đồng Bầu cử Quôc gia khi không công nhận tư cách trúng cử của một đại biểu; cương quyết xử lý theo quy định pháp luật, biểu quyết bằng phiếu kín và đã có nghị quyết riêng về việc này” – ông Vương Đình Huệ nói và đề nghị tiếp thu tối đa các ý kiến hôm nay để tiếp tục hoàn thiện báo cáo.
Thay mặt Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ông Vương Đình Huệ cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đồng ào, chiến sĩ, nhân dân và cử tri cả nước đã phát huy cao độ lòng yêu nước, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn thách thức làm nên cuộc bầu cử để lại dấu ấn tốt đẹp./.
Ngọc Thành/VOV.VN