'Chất lượng đại biểu Quốc hội sẽ quyết định chất lượng lập pháp'

Theo ông Lê Viết Hải, con người là nhân tố quyết định, chất lượng đại biểu Quốc hội quyết định chất lượng pháp luật mà Quốc hội ban hành.

 

Có hàng chục năm kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (doanh nghiệp nằm trong Top 5 nhà thầu tổng hợp lớn nhất Việt Nam), đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM.

Ông Lê Viết Hải luôn đau đáu khát vọng đóng góp trí lực của mình vào việc cải thiện hệ thống luật pháp nhằm giúp Việt Nam phát triển bền vững. Bởi theo ông, mọi lĩnh vực của cuộc sống đều hoạt động dựa trên luật pháp. Luật pháp tiến bộ thì góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của xã hội. Và muốn có hệ thống luật pháp tốt thì phải xuất phát từ việc có đội ngũ nhân sự tốt để xây dựng luật.

Con người là nhân tố quyết định

PV: Từ thực tiễn quản lý, điều hành doanh nghiệp, ông thấy luật pháp có vai trò gì đối với sự phát triển doanh nghiệp và xã hội nói chung?

Ông Lê Viết Hải: Mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, quản lý tài nguyên, kiểm soát môi trường, an ninh quốc phòng…của quốc gia đều phải hoạt động dựa trên khuôn khổ luật pháp. Nếu những điều luật do Quốc hội ban hành mà không hợp lý sẽ gây cả trở cho sự phát triển của quốc gia. Qua thực tiễn công việc hằng ngày của mình, tôi thấu hiểu sự tác động rất lớn của luật pháp đến hoạt động và sự thành bại của doanh nghiệp. Bởi luật là thể hiện chính sách của quốc gia. Thông qua luật, những chính sách phát triển quốc gia được thực thi. Nhưng chính sách cụ thể và các điều luật cần được xây dựng từ cơ sở thực tiễn, phù hợp với thực tiễn mới có thể khả thi và mang lại hiệu quả.

PV: Theo ông, nhân tố nào đóng vai trò quyết định giúp Quốc hội ban hành ra những điều luật có chất lượng tốt hơn?

Ông Lê Viết Hải: Con người là nhân tố quyết định. Chất lượng ĐBQH quyết định chất lượng pháp luật mà Quốc hội ban hành. Để Quốc hội ban hành được những bộ luật, điều luật có chất lượng tốt hơn thì phải có những người tham gia làm luật có hiểu biết, có trình độ, trải nghiệm thực tiễn áp dụng những bộ luật đó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Tức là càng có nhiều hiểu biết, nhiều kinh nghiệm thì càng nhìn rõ hơn những vấn đề cần phải đưa vào luật một cách thích hợp.

Ông Lê Viết Hải, con người là nhân tố quyết định, chất lượng ĐBQH quyết định chất lượng pháp luật mà Quốc hội ban hành,

Để luật pháp được thực thi, không chỉ kêu gọi sự tự giác

PV: Nhưng không phải cứ có các bộ luật tốt là tự nó sẽ tác động tích cực đến xã hội, vấn đề còn nằm ở việc thực thi pháp luật như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Đúng vậy. Nếu việc xây dựng hệ thống luật pháp là quan trọng thì việc thực thi luật pháp còn quan trọng hơn. Tôi thấy nước ta có rất nhiều bộ luật quy định khá hợp lý, nhưng chưa được tôn trọng thực thi. Hiện nay, kỷ cương thực thi và giám sát thực thi luật pháp chưa tốt ở nước ta, kể cả ở cơ quan công quyền và người dân.

Để luật pháp được thực thi không phải chỉ là kêu gọi sự tự giác của những người có trách nhiệm thi hành luật pháp mà phải có hệ thống kiểm soát, kiểm tra, giám sát có đủ năng lực, quyền hạn và cơ chế kiểm tra, giám sát hợp lý, hiệu quả. Việc thiết lập một cơ chế để có thể kiểm tra việc thực thi đó một cách hiệu quả hơn cũng là một vấn đề mà Quốc hội cần thảo luận, nghiên cứu và tìm giải pháp.

PV: Vậy theo ông, giá trị cốt lõi nào mà một đại biểu Quốc hội cần có là gì?

Ông Lê Viết Hải: Trước hết, đó phải là người hết sức tâm huyết với những vấn đề chung của quốc gia, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Chỉ tâm huyết là chưa đủ mà phải có kiến thức, kinh nghiệm và dũng khí, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải vượt qua những cám dỗ, lợi ích cục bộ, cá nhân. Mọi nỗ lực của ĐBQH phải ưu tiên tập trung vào cống hiến cho quốc gia. Mọi hoạt động khác của ĐBQH kiêm nhiệm thì phải được xem là những hoạt động bổ trợ cho vai trò ĐBQH. ĐBQH phải đi vào cuộc sống, cọ sát với cuộc sống, luôn luôn nắm bắt hơi thở cuộc sống để hiểu rõ những vấn đề trong thực tế thì khi góp ý kiến xây dựng luật mới sát với thực tế. Tức là cả hoạt động trong nghị trường và ngoài nghị trường đều quan trọng với mỗi ĐBQH, không được xem nhẹ hoạt động nào.

Quốc gia hưng thịnh, phải bắt đầu từ văn hóa, giáo dục

PV: Để thúc đẩy đất nước hưng thịnh hơn, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Tôi nghĩ cần thúc đẩy: Đoàn kết dân tộc, Chấn hưng văn hóa, Kiến tạo hòa bình, Kiện toàn chính thể. Cụ thể:

Thứ nhất, về đoàn kết dân tộc: dân tộc chúng ta trong chiến tranh đã rất đoàn kết để chiến thắng kẻ thù, nhưng rồi sau đó trong hoạt động kinh tế thì chúng ta chưa có sự hợp tác, gắn bó, hỗ trợ qua lại nhau để cùng phát triển. Điều này cần thay đổi. Tôi muốn sự đoàn kết ở đây là đoàn kết giữa các doanh nhân Việt Nam ở trong nước với doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, giữa doanh nghiệp với nhà nước, đoàn kết giữa các hội viên trong từng hiệp hội ngành nghề, đoàn kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp với nhau và đoàn kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Sự đoàn kết là để doanh nghiệp Việt có đủ sức mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế…Làm thế nào để huy động một nguồn lực về trí tuệ rất đa dạng, phong phú rất cao của người Việt Nam để có nhiều sáng kiến, giải pháp giúp đất nước phát triển bứt phá. Nếu chúng ta lấy tinh thần chiến đấu chống giặc để làm kinh tế thì đất nước chúng ta sẽ rất tuyệt vời.

Thứ hai, về chấn hưng văn hóa, thật ra đất nước ta có một tinh thần rộng lượng, nhân đạo, vị tha từ xa xưa qua rất nhiều thời, nhưng có những tính xấu gần đây phát sinh, nó mang tính cá nhân nhưng ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội rất lớn. Nếu phát huy được những tinh túy, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cùng với học hỏi, tiếp nhận tinh hoa của nhân loại thì sẽ có những phẩm chất vượt trội của người Việt Nam để chúng ta tự hào và phát triển hơn nữa. Tức là phải bắt đầu từ văn hóa. Có văn hóa thì có tinh thần, tư tưởng, đạo đức tốt. Làm thế nào để xây dựng văn hóa đó? Phải biết hi sinh, cống hiến vì lợi ích chung. Phải biết tạo nên những con người biết ứng xử văn minh thì chúng ta mới có được một xã hội hạnh phúc. Tôi nghĩ văn hóa là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội nên cần phải chấn hưng văn hóa dân tộc.

Thứ ba, về kiến tạo hòa bình, tôi nghĩ đến sứ mệnh của Việt Nam chúng ta trong kiến tạo hòa bình. Trên thế giới không có quốc gia, dân tộc nào mà trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt như Việt Nam. Chính vì chúng ta trải qua và gánh chịu những nỗi đau, sự mất mát rất lớn nên chúng ta nhận thức rất rõ giá trị của hòa bình. Hiện nay nhiều mối nguy chiến tranh vẫn còn đó. Để vừa giữ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia vừa gìn giữ hòa bình là hết sức khó khăn. Tôi rất trăn trở vấn đề này. Tôi đặt tên công ty là hòa bình và xây dựng văn hóa hòa bình trong kinh doanh. Tôi luôn hướng đến việc tìm giải pháp để có thể thoát khỏi chiến tranh cho chúng ta và cả thế giới.

Con đường để xây dựng nền hòa bình bền vững cho thế giới là phải đi từ giáo dục. Tôi tìm hiểu thấy có những học thuyết về hòa bình trên thế giới nhưng chưa thấy có giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề này. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần có một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thành lập một hội đồng soạn thảo môn học “Công dân toàn cầu” và có quy chế để đảm bảo môn học này được áp dụng cho tất cả các quốc gia. 100% trẻ em trên thế giới phải được học, tiếp thu trọn vẹn những nội dung môn học đó để hướng các em đến hòa bình, nhận ra những nguy cơ và hậu quả chiến tranh. Các em phải được hiểu và thấm vào tâm hồn để biến nhận thức đó thành tình yêu hòa bình, căm ghét chiến tranh để gìn giữ hòa bình. Hiện tôi đang soạn cuốn sách “Hòa bình dẫn lối hòa bình” để trình bày một cách hệ thống, biện chứng, khoa học những luận điểm của mình.

Thứ tư, về kiện toàn chính thể cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Chính thể ở đây bao gồm cả luật pháp, chính sách, thể chế. Việt Nam ta có những thành tựu rất đáng tự hào khi chúng ta chống dịch Covid-19 thành công. Đó là một trong những minh chứng cho thấy, thể chế của chúng ta có những ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên cũng vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện hơn. Vai trò của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ là đưa ra những chính sách tạo nên môi trường tốt đẹp cho xã hội phát triển, kinh tế phát triển, văn hóa được chấn hưng. Việc đóng góp những sáng kiến để hoàn thiện môi trường đó, chính sách, thể chế, luật pháp là vấn đề rất quan trọng.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Hà Trần/VOV.VN (Thực hiện)
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận