Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc mới trong ngày tiếp tục tăng tại các địa phương. Mặc dù đến nay tình hình dịch bệnh trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, song cơ quan chức năng nhận định nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất cao, luôn thường trực, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu cả hệ thống chính trị, người dân lơi là, chủ quan, mất cảnh giác.
Kỷ luật nhiều cán bộ thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cá nhân hóa trách nhiệm trong phòng, chống dịch; xem xét trách nhiệm, kể cả xử lý hình sự, đối với các cá nhân, tập thể vi phạm quy định, để lây lan dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt cần được biểu dương, khen thưởng kịp thời, tuy nhiên, những tổ chức, cá nhân chưa làm đúng cần được xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thực tế đã cho thấy, nếu một cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thì sự nỗ lực của cả hệ thống sẽ đổ xuống sông xuống biển. Vì vậy, trong công tác phòng chống dịch bệnh, vai trò của người đứng đầu các địa phương là hết sức quan trọng. Trong những tình huống cấp bách, người đứng đầu phải biết hy sinh thời gian, sức khỏe, tiên phong đi đầu để có những quyết sách kịp thời, đúng đắn thì mới tạo sự chuyển động rõ rệt về nhận thức và hành động ở cấp dưới.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định tạm đình chỉ công tác Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế và Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vì thiếu chủ động, chậm trễ tham mưu thực hiện các văn bản, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác phòng dịch.
Ngoài 2 trường hợp này, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 Chủ tịch UBND phường, 2 Trưởng Công an phường và 2 cán bộ cơ sở bị đình chỉ công tác vì liên quan đến công tác quản lý địa bàn khi để xảy ra dịch Covid-19. Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cũng bị tạm đình chỉ 4 ngày (từ 9-12/5) do thiếu trách nhiệm trong việc quản lý các đối tượng phải cách ly tại nhà trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn do mình quản lý. Như vậy, tính đến nay đã có 8 cán bộ ở Vĩnh Phúc bị tạm đình chỉ công tác.
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, việc kỷ luật, đình chỉ, cách chức cán bộ tuy không phải là mục tiêu nhưng trong thời điểm hiện nay bắt buộc phải làm. Mục đích của việc kỷ luật cán bộ là để làm gương, chỗ nào “ùn tắc” thì phải có biện pháp thay thế để giải quyết nhiệm vụ trước mắt.
“Đây là một trong những việc cực chẳng đã. Trong điều kiện “nhà có việc”, phải thể hiện tính nghiêm túc trong mệnh lệnh, tất cả những đồng chí khi bị phát hiện thực hiện không nghiêm, không kịp thời mệnh lệnh thì đều bị xử lý” – ông Lê Duy Thành cho biết.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái do có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, cụ thể là trong việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài tại thành phố Yên Bái.
Ngoài Vĩnh Phúc, Yên Bái, tỉnh Hà Nam cũng đã đưa ra phương án tạm đình chỉ công tác đối với 2 cán bộ y tế, gồm trạm trưởng trạm y tế xã Đạo Lý và Giám đốc trung tâm y tế huyện Lý Nhân...
Tránh để cá nhân ỉ lại tập thể
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Duy Quát – nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, đây chỉ là những trường hợp cá biệt trong bức tranh tổng thể chống dịch Covid-19 đang rất nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, song, việc kỷ luật cán bộ chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh là việc cần thiết phải làm để đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
“Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây đã đổi mới cách tiếp cận trong phòng chống dịch là chuyển từ trạng thái phòng ngự là chủ yếu sang trạng thái kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phòng ngự và tấn công, trong đó, lấy tấn công là chủ yếu, quan trọng. Tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ trong đợt này, phải cá nhân hóa trách nhiệm trong phòng, chống dịch làm sao cụ thể hơn nữa. Chỉ đạo này cũng là cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng”.
Ông Đào Duy Quát nhấn mạnh, chủ trương chung về cá thể hóa trách nhiệm cá nhân chúng ta đã có nhưng chưa được cụ thể, cá nhân vẫn trông chờ, ỉ lại vào tập thể, trách nhiệm cá nhân ở mức nào đó vẫn chưa thấy hết. Cho nên lần này trong triển khai tư tưởng, đường lối của Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh rất cao trách nhiệm người đứng đầu. Trong điều kiện cấp bách phòng chống dịch bệnh thì trách nhiệm cá nhân người đứng đầu càng phải được thể hiện rõ. Đây cũng là kênh thông tin hữu hiệu có thể đánh giá được ý thức của từng người, ở từng vị trí công tác có hết lòng vì dân, có đủ tâm, đủ tầm, có trách nhiệm chăm lo cuộc sống người dân hay không.
“Cần phải thể chế hóa cho thật rõ, tránh việc cá nhân ỉ lại vào tập thể chung chung mà không thấy hết trách nhiệm cá nhân dẫn đến chủ quan, thiếu trách nhiệm. Làm sao người đứng đầu thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh một cách quyết liệt, đầy trách nhiệm” – ông Đào Duy Quát cho biết.
Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng nhấn mạnh: “Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt về mọi mặt thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch”. Rõ ràng, trong cuộc chiến chống dịch bệnh, khi để xảy ra vi phạm cần phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền địa phương thì mới tạo sự chuyển động rõ rệt về trách nhiệm của cá nhân ở các cấp, các ngành. Tinh thần này thúc đẩy tính phụ trách của người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể.
Theo nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, kỷ luật cán bộ vào thời điểm này là việc “cực chẳng đã” nhưng vì sự nghiệp chung, vì đời sống và sự an toàn của nhân dân thì phải kỷ luật những người thiếu trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu. Việc làm này mục đích cũng là thực hiện tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, vừa có tác dụng giáo dục, đồng thời cũng là một cách để nêu gương, để người đứng đầu ở địa phương khác nhìn vào đó tự soi, tự sửa, tránh để xảy ra những sai phạm đáng tiếc./.
Kim Anh/VOV.VN