Theo quy định của pháp luật, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các ứng cử viên sẽ tiến hành vận động bầu cử và công việc này phải kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.
Vậy vận động bầu cử là gì và việc vận động bầu cử phải đảm bảo những nguyên tắc nào; các ứng cử viên được sử dụng các hình thức vận động bầu cử ra sao? Đây là những nội dung được ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giải đáp.
PV: Sau khi hiệp thương lần thứ 3 xong là đến khâu vận động bầu cử. Vậy vận động bầu cử là gì và việc vận động bầu cử này phải đảm bảo những nguyên tắc nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Minh: Theo quy định hiện nay, vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu họ được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND; đồng thời trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm, tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc và hiểu rõ hơn người ứng cử để cân nhắc bầu chọn những người đủ tiêu chuẩn. Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm 3 nguyên tắc cơ bản đã được quy định tại Điều 63 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Thứ nhất, việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ công khai, bình đẳng đúng pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Thứ hai, người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó. Thứ ba, các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
PV: Vậy những người ứng cử sẽ được sử dụng những hình thức vận động bầu cử như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Minh: Hiện nay pháp luật quy định việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng hai hình thức cơ bản.
Thứ nhất là gặp gỡ tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Thứ hai, thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Tuy nhiên, trên thực tế, với việc phát triển và tác động rất hiệu quả của mạng xã hội hiện nay, ngoài hai kênh chính thống đã nêu trên, theo tôi, người ứng cử có thể sử dụng mạng xã hội để tương tác với cử tri và vận động bầu cử cho mình, nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội và về vận động bầu cử, không được thực hiện các hành vi bị cấm.
PV: Việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng được quy định thực tế như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Minh: Theo quy định tại Điều 67 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội thông qua trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Người ứng cử đại biểu HĐND trình bày dự kiến chương trình hành động của mình thông qua trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử ở địa phương, nếu có. Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.
UBND cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải thông tin chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Ngoài ra, cùng với việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng đã được luật quy định, người ứng cử có thể sử dụng các trang mạng xã hội để hỗ trợ cho việc vận động bầu cử của mình nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội và việc vận động bầu cử.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV.VN