'Chúng ta vẫn loay hoay trong việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức'

Chúng ta cần ban hành Luật, trước mắt là đề án về kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội, không những chống được tham nhũng mà còn chống được rửa tiền...

 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống tham nhũng. Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát phải bài bản và quyết liệt hơn, gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật để “không dám tham nhũng” và “không thể tham nhũng”.

Bên cạnh đó phải đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ số. Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đề cập rõ hơn vấn đề này khi trao đổi với phóng viên VOV. 

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền (Ảnh: quochoi.vn)

Đề cao tính liêm sỉ trong đạo đức công vụ

PV: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn đảng toàn diện về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đặt nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng với nội dung là tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Ông nghĩ sao về nhiệm vụ trọng tâm này?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền: Đảng ta là Đảng cầm quyền, vì thế công tác xây dựng, kiện toàn, củng cố, và chỉnh đốn Đảng là công tác sống còn của Đảng. Đại hội Đảng XIII đã đặt ra những nhiệm vụ hết sức cấp bách. Đó là làm trong sạch đảng để tăng cường sức chiến đấu của Đảng trong việc cầm quyền, nhất là qua quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đang đặt ra nhiều vấn đề Đảng phải tiên phong, dẫn đầu. Năng lực lãnh đạo của Đảng phụ thuộc vào sự trong sạch và sức chiến đấu của Đảng đối với từng đảng viên, từng cơ sở Đảng, từng tổ chức Đảng và kể cả Ban Chấp hành Trung ương.

Một Đảng chân chính, trong sáng, liêm khiết, liêm chính; từng đảng viên đề cao liêm sỉ trong thực hiện trách nhiệm đảng viên và trách nhiệm công vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong công tác chỉnh đốn và củng cố Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng chúng ta đã làm không ngừng nghỉ, không thỏa hiệp và cần phải liên tục, thường xuyên, quyết liệt hơn, làm tới cùng.

PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở cán bộ phải đề cao liêm sỉ, coi liêm sỉ là phẩm chất đạo đức quan trọng để phòng, chống tham nhũng và càng có chức có quyền thì càng phải đề cao liêm sỉ. Như vậy, liêm sỉ là một trong những quy phạm đạo đức quan trọng nhất trong thực thi công vụ?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền: Tôi cho rằng, không chỉ là quy phạm đạo đức, mà đã đến lúc liêm sỉ phải được coi là một trong những tiêu chí và nội hàm quan trọng của trách nhiệm công vụ. Chỉ khi đó, nó mới trở thành một chế định. Do đó, liêm sỉ cũng phải được kiểm soát bằng các thiết chế về tổ chức, thiết chế về quyền lực. Lâu nay ở các nước những quy định về mẫn cán, về trong sáng, về vô tư, về khách quan luôn được coi là những tiêu chí để đánh giá xem xét việc thực hiện hoàn thành trách nhiệm công vụ. Hiện nay ở Việt Nam, tôi cho rằng trách nhiệm công vụ là một khâu yếu và chưa được thực hiện một cách rõ ràng và minh bạch. 

PV: Người xưa có nói: “Người không có liêm thì thứ gì cũng lấy; người không có sỉ thì việc gì cũng làm”. Như vậy, việc đề cao liêm sỉ thực chất là đề cao một trong những quy phạm đạo đức, đó cũng là đạo đức công vụ quan trọng để phòng chống tham nhũng?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền: Để thực hiện được điều này thì chuẩn mực xã hội về cái đẹp, cái tốt, cái cao quý, cái văn hóa, cái được tôn vinh cần phải được định hướng một cách đúng đắn nhất, công khai, minh bạch, nhất là trong hoạt động của Nhà nước, của xã hội và công dân. Tôi cho rằng, đã đến lúc liêm sỉ phải được coi là một trong những nội hàm của trách nhiệm công vụ, nhưng khi được coi là nội hàm của trách nhiệm công vụ và được đưa vào pháp luật, thì phải quy định rõ những tiêu chí hết sức cụ thể rõ ràng, minh bạch để làm cơ sở cho việc đánh giá, sử dụng và quản lý cán bộ.

Cần có đề án về kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, để cán bộ công chức không thể tham nhũng thì vấn đề quan trọng là kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ công chức. Thực tế cho thấy, mặc dù rất cố gắng trong việc triển khai quy định nhưng việc kiểm soát tài sản, thu nhập từ trước đến nay vẫn rất hình thức và hiệu quả thấp. Theo ông cần có những giải pháp đồng bộ gì?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền: Kiểm soát tài sản thu nhập là hạt nhân phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Nếu khâu này yếu thì tất cả các khâu khác sẽ yếu luôn.

Về mặt thể chế, hiện chúng ta đã có quy định kiểm soát tài sản thu nhập nhưng các quy định về công khai bản kê khai, xác minh bản kê khai và việc thực hiện quy định vẫn rất thấp. Bởi trên thực tế, tài sản của những đối tượng phải kê khai, bằng cách này, hay cách khác, sẽ được chuyển sang tài sản của đối tượng không bị kê khai.

Chúng ta vẫn loay hoay trong việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, nhưng chúng ta không kiểm soát các đối tượng ở bên ngoài, thì mãi mãi không hiệu quả.

Để thực hiện vấn đề này, chúng ta cần ban hành Luật, trước mắt là đề án về kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội, trong đó không những chống được tham nhũng mà còn chống được rửa tiền, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại, cho vay nặng lãi, chống sở hữu chéo giữa các ngân hàng…

Cùng với việc kiểm soát, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như quản lý thuế, thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với những tài sản có giá trị lớn, rồi công khai, minh bạch về tài chính trong hoạt động của Nhà nước, xã hội và công dân bắt buộc đăng ký bất động sản trong các giao dịch, kiểm soát chặt chẽ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mở tài khoản nước ngoài, rồi cải cách chế độ tiền lương ở khu vực Nhà nước. Và đặc biệt là hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp và hành vi không giải trình được thu nhập tài sản tăng lên một cách bất thường của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn theo khuyến cáo đã được nêu trong Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.

PV: Theo ông, việc xây dựng, ban hành một đề án cấp nhà nước về kiểm soát tài sản thu nhập toàn xã hội là rất cần thiết. Việc xây dựng các thiết chế không sử dụng tiền mặt trong giao dịch, nhất là giao dịch có giá trị lớn, xử lý tài sản kê khai không trung thực mà không giải thích được các nguồn... Đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII trong công tác phòng, chống tham nhũng?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền: Chúng ta đã cố gắng thực hiện, nhưng để không dám và không muốn thì việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật còn rất nhiều việc phải làm. Từ năm 2001 đến nay, chúng ta đã đặt vấn đề trong Hiến pháp là kiểm soát quyền lực, nhưng đến nay, chúng ta chưa có một đề tài cấp nhà nước nào được nghiệm thu về kiểm soát quyền lực Nhà nước, cũng chưa có một chương trình Nhà nước nào về kiểm soát tài sản. Chúng ta mới ban hành được một văn bản kiểm soát quyền lực, trong khi kiểm soát quyền lực ở tất cả các lĩnh vực thì vẫn còn rất hạn chế công khai, minh bạch, chế độ công vụ, trách nhiệm công vụ; rồi kiểm soát tài sản rất nhiều các thể chế khác chúng ta đã làm nhưng chưa hoàn thiện và có nhiều sơ hở. Những sơ hở đó là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng tiêu cực phát sinh.

PV: Tham nhũng là tổng hợp của sự độc quyền, tùy tiện, thiếu trách nhiệm, thế nên sẽ cần nhiều giải pháp khác nhau. Ngoài các giải pháp đấu tranh, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cũng là một giải pháp rất quan trọng?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền: Càng áp dụng công nghệ bao nhiêu càng hạn chế các yếu tố tác động chủ quan của con người bấy nhiêu, như vậy hoạt động của Nhà nước nói chung, của công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn nói riêng càng minh bạch. Và càng minh bạch bao nhiêu thì càng hạn chế việc phát sinh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, lạm quyền bấy nhiêu.  

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hằng/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận