Nhìn lại tuần làm việc thứ 2 của Quốc hội: Kiện toàn nhiều chức danh Nhà nước

Quốc hội dành phần lớn thời gian để kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước như Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội...

 

Trong tuần qua, Quốc hội đã dành riêng 1 ngày để thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, nửa ngày để thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, dự luật duy nhất được xem xét tại kỳ hợp này (Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi) cũng được Quốc hội biểu quyết thông qua.

"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó." - Lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trang trọng vang lên từ hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, đánh dấu thời điểm chuyển giao một nhiệm kỳ lãnh đạo mới của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước, với nhiều kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Phát biểu sau tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sẽ đem hết sức mình, hoạt động vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về việc bầu ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, làm Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XIV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức.

Các đại biểu Quốc hội, cử tri tin tưởng rằng, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội được bầu với số phiếu cao sẽ tiếp tục cống hiến năng lực, trí tuệ, trách nhiệm cho đất nước; thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, giữ vững lòng tin, sự tín nhiệm của Quốc hội và nhân dân dành cho mình.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 với ông Nguyễn Phú Trọng; Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 với ông Nguyễn Xuân Phúc. Hai vị lãnh đạo chủ chốt đã có một nhiệm kỳ thành công, ấn tượng khi cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chèo lái con tàu Việt Nam vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn.

Con đường phía trước vẫn đặt ra nhiều thách thức, cỗ máy cần vận hành thông suốt, do vậy khi thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị: "Việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; Trong quản lý vốn ODA việc phân vai, phân nhiệm giữa Chủ tịch nước với Chính phủ còn hình thức và chưa thực chất. Hy vọng những hạn chế này sẽ được khắc phục có hiệu quả trong nhiệm kỳ tới."

Tiếp tục thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình cải cách tư pháp để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, pháp quyền, nghiêm minh cũng là kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội vào báo cáo nhiệm kỳ 20016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại nghị trường trong tuần qua.

Các đại biểu cho rằng, vẫn còn những bất cập của ngành tòa án như một số vụ án hành chính thời gian giải quyết còn dài. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội; một số vụ án, Thẩm phán có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương…Vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của viện kiểm sát. Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự vẫn còn để xảy ra một số trường hợp bị truy tố oan; truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt...

Đại biểu Nguyễn Chiến, đoàn Hà Nội.

Để ngành tư pháp, trong đó có Tòa án và Viện kiểm sát thực sự liêm chính trong bảo vệ và thi hành pháp luật, đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đoàn Hà Nội cho rằng: "Cải cách hành chính một cửa để từ đó người dân người ta thấy rằng giữa tòa án với người dân là gần gũi, thân thiện và người dân tin tưởng để nhờ Tòa án giải quyết và từ đó nâng cao vị thế uy tín của hệ thống cơ quan tư pháp và đặc biệt ngành Tòa án."

Rõ ràng, chỉ khi có hệ thống tư pháp, hành pháp thật sự hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, cơ chế dân chủ được bảo đảm, một hệ thống pháp luật hiện đại, khoa học được xây dựng và đi vào cuộc sống, mới bảo đảm một chính quyền thật sự là của nhân dân vận hành hiệu quả./.

Thu Huyền/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận