Nhiều điều gửi gắm, đánh giá đã "đến tai" lãnh đạo
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng, Quốc hội nhiệm kỳ qua để lại nền tảng vững chãi cho khoá mới. Với truyền thống kế thừa, phát huy cùng với những bài học kinh nghiệm được rút ra, ông tin tưởng rằng Quốc hội khoá XV có thể làm tốt hơn, trọn vẹn hơn. Người đi trước cũng cảm thấy rất hạnh phúc khi các thế hệ sau tiếp nối truyền thống, tiếp tục phát huy những điểm mạnh của Quốc hội khóa XIV để xứng đáng là đại diện cho nguyện vọng, ý chí của nhân dân.
“Các vị lãnh đạo tiếp nối chắc chắn rằng trong những ngày qua đã lắng nghe tất cả những tâm tư gửi gắm của các đại biểu Quốc hội phát biểu trên diễn đàn. Đại biểu vừa gửi gắm tình cảm, vừa đánh giá nhưng đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm bằng cách nêu lên những mặt tồn tại, hạn chế trong hoạt động Quốc hội” - ông Trần Hoàng Ngân nói.
Quốc hội vừa bầu ông Vương Đình Huệ giữ chức vụ Quốc hội khoá XIV thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân với 100% đại biểu có mặt bỏ phiếu tán thành và tiến hành quy trình bầu 3 Phó Chủ tịch Quốc hội. Đại biểu Trần Hoàng Ngân tin tưởng rằng, lãnh đạo mới của Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến các đại biểu để đưa hoạt động Quốc hội hiệu quả hơn nữa, hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của Quốc hội trước nhân dân.
Đề cập vấn đề cần quan tâm sâu sắc hơn trong thời gian tới, vị đại biểu Đoàn TPHCM nhấn mạnh phải tập trung làm tốt hơn nữa công tác lập pháp cũng như có cơ chế đầu tư thỏa đáng cho công tác lập pháp. Bởi một luật chồng chéo, đan xen, không đồng bộ với nhau sẽ tốn rất nhiều chi phí, kể cả thời gian và tài chính. Một dự án triển khai xong bị vướng là đội vốn lên hàng trăm ngàn tỷ đồng.
“Chi phí làm luật thì quá ít cho nên phải đầu tư tương thích để huy động được lực lượng chuyên gia, nhà khoa học, lắng nghe ý kiến của thực tiễn để đưa vào trong bộ luật, để luật khi ban hành đi vào cuộc sống và đồng bộ” – ông Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật cũng kỳ vọng Quốc hội tiếp tục phát huy thành quả mà các khoá trước đạt được để đưa Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực cao nhất, gần dân, sát dân, thực sự đáp ứng mong đợi của người dân..
Để làm được điều đó, ông Bùi Văn Xuyền cho rằng, lãnh đạo mới của Quốc hội cùng tập thể tiếp tục thực hiện tốt các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó tiếp tục hoàn chỉnh, xem xét sửa đổi những điểm trong các luật chưa thực sự phù hợp với tình hình mới hay còn mâu thuẫn, chồng chéo để hệ thống hoạt động trơn tru, hiệu quả. Giám sát cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế nên cần đẩy mạnh hơn nữa giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND và các uỷ ban, của từng đại biểu trên các lĩnh vực, giải quyết tốt hơn khiếu nại tố cáo.
“Lãnh đạo mới đứng mũi chịu sào nên phải thực sự đổi mới, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đại biểu, cử tri, hiểu rõ thực tiễn để có đổi mới điều hành, đưa ra quyết định chính xác. Đó là sự nhạy bén của lãnh đạo Quốc hội” - ông Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.
Tân Chủ tịch Quốc hội có nhiều lợi thế
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên cũng bày tỏ tin tưởng, kỳ vọng vì Chủ tịch Quốc hội đã trải qua nhiều vị trí, là đại biểu Quốc hội 2 khóa (XIII và XIV) có kinh nghiệm hoạt động nghị trường, trả lời chất vấn và xây dựng pháp luật.
“Tất cả yếu tố đó hội tụ để tạo nên một Chủ tịch Quốc hội đáp ứng lòng mong mỏi của người dân, quyết đáp các vấn đề mang tính chất chiến lược, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển" - bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Còn theo Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách, có thể kỳ vọng ở tân Chủ tịch Quốc hội về những thay đổi trong việc chủ trì các công việc của Quốc hội. Bởi ông Vương Đình Huệ là người có nhiều lợi thế.
Thứ nhất là lợi thế của một nhà sư phạm, giúp cho công tác chủ trì các hoạt động của Quốc hội thuận lợi hơn khi tính bao quát, tổng kết và dung hòa rất phù hợp với vai Chủ tịch Quốc hội.
Hai là lợi thế một nhà kinh tế và ông Vương Đình Huệ đã trải qua các chức vụ rất quan trong bộ máy, từ Tổng Kiểm toán Nhà nước đến Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế tổng hợp. Đây là lợi thế quan trọng để một vị Chủ tịch Quốc hội có thể quán xuyến được định hướng trong hoạt động của Quốc hội.
Lợi thế thứ ba là một nhà chính trị từng đứng đầu một đơn vị hành chính đặc biệt là Thủ đô Hà Nội – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Dù giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ Hà Nội không lâu nhưng ông Vương Đình Huệ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong tầm nhìn, tư duy chính sách.
“Về cá nhân, tôi thấy phong cách của ông Vương Đình Huệ là con người dễ gần, chan hòa và rất uyển chuyển nên phù hợp khi chủ trì các hoạt động của Quốc hội, trực tiếp chủ tọa điều hành một số phiên họp của Quốc hội” - ông Lê Thanh Vân bày tỏ và kỳ vọng có sự chuyển biến về phương thức hoạt động của Quốc hội cũng như quan tâm lĩnh vực lập pháp, hậu giám sát, quyết định vấn đề quan trọng để nâng cao thực quyền của Quốc hội.
Cũng theo ông Lê Thanh Vân, vai trò của người chủ trì, điều hành là tầm nhìn lập pháp, phương pháp tư duy đổi mới cách thức vận hành Quốc hội để phát huy hiệu quả, vai trò của cơ quan có vị trí đặc biệt trong Nhà nước. Qua thực tiễn cho thấy Chủ tịch Quốc hội có tư duy tầm nhìn xa, hiểu thấu quy trình của Quốc thì có cách thức vận hành khoa học, phát huy trí tuệ tập thể, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vai trò chủ trì quan trọng vì khởi xướng hướng đi, phương pháp, cách thức tiếp cận vấn đề để làm sao có được cải tiến phương pháp, thay đổi tác động đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động Quốc hội.
“Điều quan trọng là sự tương tác của Chủ tịch Quốc hội với đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, với cơ quan truyền thông và cử tri thế nào để nắm được tâm nguyện chung, đưa cuộc sống sinh động vào nghị trường để Quốc hội thực sự phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của người dân, thực hành quyền hạn của mình thực chất, thực quyền” - đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh./.
Theo VOV.VN