Chiều 30/3, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Tham gia biểu quyết có 455 đại biểu (94.79%), trong đó, 454 đại biểu (94.58%) đã bỏ phiếu tán thành và 1 đại biểu không biểu quyết.
Với kết quả này, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Trình bày, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đến ngày 15/3/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản tham gia góp ý của 48 Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra tổng hợp, nghiên cứu và chủ trì phối hợp cùng các cơ quan liên quan để tiếp tục tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
"Các Đại biểu Quốc hội đã đóng góp những ý kiến sâu sắc, xác đáng cả về nội dung, về chữ, nghĩa và kỹ thuật xây dựng văn bản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu tối đa ý kiến các ĐBQH và đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý kỹ thuật với toàn bộ Dự thảo luật để hoàn thiện văn bản trình Quốc hội. Dự thảo luật có những điểm mới, trong đó, các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến ma tuý (tại Chương 3) và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên (tại Chương 4)... Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng động trong phòng chống ma túy...", bà Thúy Anh nói.
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, khắc phục các hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy./.
Ngọc Thành - Vân Anh - Hoàng Lê/VOV.VN