'Sự cố xã hội hóa SGK là một câu chuyện cay đắng'

Theo ĐBQH, câu chuyện SGK là một trong những bài học xương máu cho những nhà quản lý.

 

Sáng 29/3, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV, các ĐBQH thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ.

Ý kiến các đại biểu đều chia sẻ những khó khăn mà Chính phủ phải đối mặt trong nhiệm kỳ qua, đồng thời khẳng định Chính phủ đã có một nhiệm kỳ thành công. Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại và nêu kiến nghị cho Chính phủ nhiệm kỳ tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) ghi nhận sự thẳng thắn của Chính phủ khi đề ra 5 tồn tại, hạn chế. Là người phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận sáng về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ, đại biểu Mai Hoa bày tỏ sự ấn tượng về một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt và phục vụ nhân dân. Ấn tượng về một Chính phủ có nhiều quyết tâm lớn, trong đó có quyết tâm xây dựng một Chính phủ không tham nhũng, Chính phủ nói đi đôi với làm; Chính phủ gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc phát sinh liên quan đến đời sống của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh, với những quyết định sáng suốt như “không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế”; kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên khi nhân dân Tây Nguyên băn khoăn về những cánh rừng bị tàn phá; đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đó là sức mạnh của niềm tin, sức mạnh của cả dân tộc, khẳng định sự đúng đắn trong điều hành của Chính phủ.

“Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động đã làm chuyển động bộ máy, tuy nhiên, chuyển biến còn chậm và chưa vững chắc, chưa đồng bộ, chưa khắc phục triệt để những bất cập. Đây đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh và vẫn còn cơ chế xin cho, còn tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách. Cỗ máy đang vận hành chỉ cần một chi tiết nhỏ thiếu đồng bộ hay một quy trình lỗi nhịp thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của bộ máy”, đại biểu đoàn Đồng Tháp thẳng thắn nêu ý kiến.

Cũng theo đại biểu Mai Hoa, dù Chính phủ đề cao dân chủ nhưng sự tham gia của người dân chưa cao, thậm chí còn mang tính hình thức, nhiều việc dân không được biết, không được tham gia giám sát, kiểm tra. Đại biểu kiến nghị tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo với thước đo là hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản pháp luật đồng bộ; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Chính phủ cần quan tâm nhiều tới công khai minh bạch các chính sách, phải xây dựng chính sách có tính khả thi. Theo đó, kiến nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới xây dựng bộ máy công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Xây dựng Chính phủ mở và nền hành chính Nhà nước mở; ưu tiên đối thoại, phản biện và tư vấn chính sách; coi trọng ý kiến của người dân, quan tâm việc người dân được tham gia xây dựng chính sách…

Tiếp tục kiến nghị đóng cho Chính phủ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn ĐBQH Phú Yên) cũng cho rằng, một Chính phủ công chính thì không có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay lợi ích cục bộ, ở đó chỉ có lợi ích của quốc gia, dân tộc. Theo Đại biểu Minh Hiền, để xây dựng một Chính phủ có chức năng kiến tạo - phát triển không thể chỉ gói gọn trong nhiệm kỳ 5 năm mà sẽ cần thời gian nhiều hơn thế. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người.

“Tôi mong Chính phủ cương quyết xóa bỏ những lối mòn về tư duy hay tránh xa những vết xe đổ trong điều hành quản lý, muốn kiến tạo tương lai thì không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã hỏng và không còn phù hợp”, đại biểu đoàn Phú Yên nói.

Gửi gắm niềm tin đến các ĐBQH khóa XV và đặt niềm tin vào Chính phủ nhiệm kỳ tới, đại biểu đoàn Phú Yên nhấn mạnh kiến nghị vào công tác giáo dục, đảm bảo quyền của trẻ em, của các giáo viên khi ban hành và thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Câu chuyện xã hội hoá SGK gây bức xúc dư luận.

“Sự cố xã hội hóa sách giáo khoa trong năm vừa qua là một câu chuyện cay đắng rất đáng phải quên đi, nhưng đó lại là bài học kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Thế nhưng, trong khi câu chuyện xử lý trách nhiệm, xử lý lỗi sai của các bộ sách vẫn chưa được rõ ràng minh bạch thì đến những ngày gần đây dư luận lại có thêm những bức xúc mới, lo lắng mới liên quan đến chính sách nâng hạng dành cho giáo viên, về sự nhập nhằng trong giá sách... Có không ít giáo viên, phụ huynh học sinh vẫn mang nhiều tâm tư trăn trở gửi tôi ở kỳ họp cuối cùng này. Họ lo lắng rất nhiều, họ chờ đợi một phương hướng xử lý thật mạch lạc, một thái độ tôn trọng đối với những người đang chịu tác động về các quy định liên quan của ngành giáo dục”, đại biểu Minh Hiền nhấn mạnh./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận