3 mức sẽ khó so sánh, đánh giá
Phát biểu trên Hội trường về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, sáng 26/3, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) khẳng định, Quốc hội khoá XIV với những lãnh lạo Quốc hội ưu tú, đại biểu nhiệt thành, tâm huyết đã làm tròn bổn phận của mình trước nhân dân. Tuy nhiên, tại thời khắc cuối cùng của nhiệm kỳ, theo bà, có lẽ mỗi đại biểu Quốc hội còn những điều băn khoăn, trăn trở.
Đề cập việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, đây là hoạt động được người dân kỳ vọng, cũng là thước đo trong đánh giá cán bộ, là cơ hội để những lãnh đạo chính trực toả sáng thêm một lần và cũng là nơi đòi hỏi các vị đại biểu thể hiện tinh thần thẳng thắn dám đấu tranh khách quan, công bằng. Hoạt động này chỉ mang ý nghĩa thiết thực khi nó không bị ảnh hưởng bởi tính hình thức.
Theo nữ đại biểu, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội khoá XIV đã mang lại hiệu ứng tích cực và đóng góp của những người được lấy ý kiến đã được ghi nhận một cách công bằng.
“Tuy nhiên qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được câu hỏi của người dân rằng “ông/bà thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là mang tính thực chất hay không?”. Tôi hiểu và cảm nhận được rằng đằng sau câu hỏi đó còn là băn khoăn lo lắng của người dân và có lẽ cử tri chờ đợi điều gì nhiều hơn thế” – bà Lưu Mai chia sẻ.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội đặt vấn đề tới đây nên chăng đánh giá việc tổ chức thực hiện và quan tâm 2 khía cạnh. Thứ nhất, hiện nay đang để 3 mức khi lấy phiếu tín nhiệm là: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tin nhiệm thấp. Việc để 3 mức có thể đề cao tính nhân văn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá. Nhiều ý kiến cho rằng, việc để 3 mức như vậy sẽ khó so sánh trong đánh giá kết quả của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Khía cạnh thứ hai liên quan đến số lần lấy phiếu tín nhiệm, theo đại biểu là hiện đang lấy phiếu tín nhiệm 1 lần, tuy nhiên để đánh giá những tiến bộ của người được lấy phiếu tin nhiệm, một số ý kiến đề xuất thực hiện 2 lần trong 1 nhiệm kỳ.
“Hoạt động của Quốc hội giống như đi trên một con đường không bao giờ có điểm kết thúc bởi vì cuộc sống luôn là sự tiếp nối thế hệ đại biểu sau sẽ tiếp nối đại biểu trước và yêu cầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội để đáp ứng sự mong mỏi của người dân là yêu cầu bắt buộc” – bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh
Đại biểu biệt phái liệu có “ăn cây táo nhưng rào cây sung”?
Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) đánh giá trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, cùng Chính phủ thực hiện và hoàn thành tốt, nếu không muốn nói là xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của đất nước đặt ra.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn và phức tạp nhưng Quốc hội vẫn giữ vững được vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan giám sát tối cao, cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích của người dân.
Tuy vậy, ông bày tỏ băn khoăn liên quan đến một số đại biểu Quốc hội chuyên trách được biệt phái từ các cơ quan của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, tình trạng này đang có tác động ảnh hưởng tới chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
“Ông cha ta có câu “ăn cây nào rào cây ấy”, có một số đại biểu Quốc hội chuyên trách làm việc trước Quốc hội nhưng lại không “ăn cơm” Quốc hội. Việc đề bạt cất nhắc vẫn do cơ quan Chính phủ trực tiếp quyết định thì làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý hoạt động cho Quốc hội! Do vậy, tôi đề nghị khi các đồng chí được chuyển về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách thì toàn bộ chế độ chính sách sẽ được áp dụng như mọi đại biểu Quốc hội chuyên trách khác để phòng ngừa tình trạng "ăn cây táo" nhưng lại "rào cây sung”" – ông Phùng Văn Hùng nêu quan điểm./.
Ngọc Thành/VOV.VN