'Nếu không liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều khuyết tật'

Thảo luận tại hội trường sáng 26/3, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình và thể hiện niềm tự hào là ĐBQH khóa XIV vì đã làm tròn vai ĐBQH trước nhân dân.

 

Thiếu liêm chính sẽ tạo thành văn bản pháp luật rất nhiều “khuyết tật”

Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, tỉnh An Giang, một trong những nguyên nhân mang đến những kết quả tốt của nhiệm kỳ là câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật.

“Trong xây dựng, hoàn thiện thi hành pháp luật là một nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ và thúc đẩy quan hệ xã hội phát triển mạnh mẽ và ngày càng tốt đẹp hơn, chứ pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận nhỏ xã hội nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ khẳng định.

“Nếu không có sự liêm chính và đặc biệt tính liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều khuyết tật”, đại biểu đoàn An Giang chỉ rõ.

Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, ba khuyết tật trong văn bản pháp luật nếu thiếu liêm chính là mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất nhiều thời gian nghiên cứu ban hành; Văn bản pháp luật đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ ngành mình trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền bộ ngành khác mà trái với quy định luật Tổ chức chính phủ cũng như luật Tổ chức chính quyền địa phương; Cuối cùng là vòng đời của các văn bản pháp luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian kinh phí để ban hành văn bản pháp luật thay thế.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đoàn An Giang (Ảnh: Quốc hội)

Giám sát không chặt vẫn có nguy cơ tham nhũng chính sách

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội bày tỏ, Quốc hội khóa XIV đã thông qua những đạo luật đảm bảo chất lượng đảm bảo công khai, minh bạch công bằng và không có biểu hiện tham nhũng chính sách. Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ lật đi lật lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện, có thể nhận thấy có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.

“Đây là việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu đoàn Hà Nội đưa ví dụ về các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật. Trên cơ sở giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792 đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Thực tế vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước và điều đáng băn khoăn.

Ngoài ra, các quy định liên quan đến ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính về quy trình, thủ tục về phân cấp, phân quyền trong quyết định các dự án cũng là những “mảnh đất” có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng, chính sách xuất phát từ hiểm họa cái gọi là tham nhũng chính sách.

Thúc đẩy hình thức lấy ý kiến góp ý trực tuyến

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tỉnh Hải Dương thì cho rằng hình thức lấy ý kiến góp ý trực tuyến là một hình thức ưu việt, tiện lợi phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng có thể trở thành một kênh thông tin quan trọng để nắm bắt dư luận xã hội đối với các dự thảo chính sách.

“Tuy nhiên, việc lấy ý kiến nhân dân bằng hình thức trực tuyến vẫn còn chưa thực sự đạt hiệu quả cao, với lượt góp ý tương tác trên trang dự thảo online của Quốc hội và Cổng thông tin của Chính phủ rất thấp. Tỷ lệ người dân biết đến hình thức góp ý trực tuyến trên Cổng thông tin góp ý không cao chủ yếu chỉ tập trung lực lượng cán bộ, công chức đối. Thêm vào đó, các ý kiến góp ý online được thu thập tại các cổng thông tin cũng chưa có báo cáo tổng hợp phản hồi”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.

Đại biểu đoàn Hải Dương kiến nghị cần nghiên cứu xem xét các giải pháp cải thiện công tác lấy ý kiến góp ý online nhằm tận dụng hiệu quả thói quen sử dụng internet của người dân trong công tác lấy ý kiến xây dựng pháp luật./.

Ngọc Thành-Vân Anh-Hoàng Lê/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận