Đại biểu Quốc hội khóa XI Đỗ Trọng Ngoạn: 'Nhiều cán bộ hư hỏng, vì tôi mà mất chức'

Trong suốt 5 năm làm ĐBQH, ông đã có những màn chất vấn thẳng thắn, gai góc.

 

Một trong những vấn đề nóng bỏng mà ông tham gia nhiều nhất là đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Nổi tiếng trên nghị trường Quốc hội về những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ, ông Đỗ Trọng Ngoạn, đại biểu Quốc hội khóa XI của tỉnh Bắc Giang, một thời từng được dư luận gọi bằng những danh xưng như: đại biểu không sợ bị ghét, đại biểu “cãi” hăng nhất Quốc hội....Năm nay đã bước sang tuổi 92, ông nói chuyện không còn được rõ ràng, rành mạch, có chuyện nhớ, có chuyện quên, nhưng được gợi lại những hồi ức về nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội của mình cách đây 15 năm, vị đại biểu già không khỏi xúc động.

“Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”

“Nhất Ngoạn (Đỗ Trọng Ngoạn), nhì Trân (Nguyễn Ngọc Trân), tam Lân (Nguyễn Lân Dũng), tứ Quốc (Dương Trung Quốc)” – tên của 4 vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từng được dư luận đánh giá bởi những phát ngôn thẳng thắn, quyết liệt và tinh thần sục sôi trên nghị trường.

Mặc bộ quân phục đã cũ sờn, ông Đỗ Trọng Ngoạn tiếp đón chúng tôi trong một căn nhà đơn sơ xếp đầy ghế nhựa. Ông sinh năm 1929, là đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Giang khoá XI.

Trong suốt 5 năm (2002 - 2007) làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ông đã 12 lần chất vấn Chính phủ, trong đó 5 lần chất vấn Thủ tướng và 7 lần chất vấn các Phó Thủ tướng, còn các bộ trưởng và cấp tương đương thì nhiều không kể hết.

Ông Ngoạn chầm chậm mời chúng tôi vào bàn uống nước. Chỉ những chiếc chén cọc cạch trên bàn, ông giục: “Uống đi! Uống đi!”

“Đại biểu Quốc hội lừng lẫy một thời mà bác sống giản dị thế này thôi sao?!” - chúng tôi buột miệng hỏi. Ông chỉ cười hiền rồi bắt đầu câu chuyện khi chúng tôi nhắc đến tên những đại biểu được cử tri yêu mến "nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc".

“Tôi không nghĩ người ta “phong” cho mình như vậy đâu. Nhưng cũng không vui hay buồn vì điều đó, thậm chí, tôi thấy họ đề cao tôi hơi quá đáng, nói quá lên thế, nhiều người có khi nghĩ tôi cá nhân. Thực tế, khi đón nhận trọng trách của người đại biểu cho dân, động cơ đầu tiên và duy nhất của tôi là làm những việc tốt nhất cho dân” - ông Ngoạn chầm chậm nói.

Nhớ lại thời điểm được Trung ương Hội Người Cao tuổi giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (khóa XI) và đến khi được cử tri Bắc Giang tín nhiệm bỏ phiếu bầu, ông bảo vừa mừng, vừa lo, mừng vì không ngờ người dân bầu mình, lo vì không biết sẽ làm gì để hoàn thành trọng trách, làm sao để có thể nghe được hết tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân để chuyển tới Quốc hội, làm sao để đấu tranh với những “căn bệnh” của một số cán bộ khiến người dân bức xúc.

“Nhiều cán bộ hư hỏng vì tôi mà mất chức”

Không phải bỗng dưng mà người dân gọi ông là “nhất Ngoạn”. Trong suốt 5 năm làm ĐBQH, ông đã có những màn chất vấn tạo nên thương hiệu độc nhất này. Một trong những vấn đề nóng bỏng mà ông tham gia nhiều nhất là đấu tranh phòng chống tham nhũng.

“Đầu tiên là nhận đơn, nhận thư từ người dân. Nhưng không phải đọc gì là tin đấy. Tôi phải đi xác minh qua nhiều vòng. Có bằng chứng, có lý lẽ rồi mới đấu tranh. Mà đã đấu tranh thì phải đấu tranh đến cùng. Nhiều cán bộ hư hỏng vì tôi mà mất chức”.

Là một ĐBQH phát biểu hăng hái, thường xuyên chạm vào những điểm nóng, điểm nhạy cảm, không phải ông Ngoạn không lo cho bản thân và gia đình. Nhưng vì hai chữ “thương dân”, ở cái tuổi 70, ông vẫn quật cường "chiến đấu" với tiêu cực, tham nhũng. Ông cho rằng, đó là thứ bản lĩnh và tinh thần cốt yếu mà mỗi ĐBQH đều cần phải có.

Ông nhớ lại: “Sau những vụ việc đó, tôi được thưởng cho tấm gương về chống tiêu cực. Phần thưởng lúc đó là 7,5 triệu đồng, nhưng tôi kiên quyết từ chối và đề nghị được chuyển vào quỹ xóa đói giảm nghèo. Có những thời điểm, nhiều người bảo tôi đấu tranh vừa vừa thôi, không là bị ghét. Nhưng cũng có người động viên, không phải sợ, cứ đấu tranh. Tin rằng mình làm đúng, tôi góp ý với bất cứ ai, kể cả Tổng Bí thư. Thành thử người dân tin tưởng tôi vì những việc như thế, họ gửi thư động viên rất nhiều” - ông Ngoạn kể.

Ông Đỗ Trọng Ngoạn năm nay đã 92 tuổi.

Có được nhiệt huyết ấy, ông Ngoạn cho rằng, đó là do những năm tháng được rèn luyện trong quân đội, với danh dự của người từng được phong anh hùng sau chiến dịch Khe Sanh, Quảng Trị, đã từng sống đi chết lại nhiều lần (4 lần gia đình ông nhận được giấy báo tử), nên cái dũng khí “không còn gì để mất, để sợ” khiến ông gạt bỏ được tâm lý e ngại, dè chừng, cứ thế là nói, “nói phải củ cải cũng nghe”.

“Là người lính, là bộ đội Cụ Hồ, điều đó với tôi ý nghĩa và thiêng liêng lắm. Tham gia chiến dịch Khe Sanh, có những trận đánh anh em gàn tôi đừng đi, đi là chết, chết là thiếu cán bộ. Nhưng đồng đội của tôi vào chỗ chết với tâm lý nhẹ như không, cần 1 người nhưng tới 10 người xung phong, lẽ nào tôi có thể nhụt chí. Tôi đã hoàn thành trọng trách đại biểu Quốc hội bằng tinh thần và danh dự của một người lính”, ông Ngoạn khẳng định.

“Đại biểu có khí chất không nhiều”

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng phát ngôn gai góc như thế ông có lo ngại không, ông bảo chẳng ngại ai vì mình nói đúng, mà chỉ ngại mỗi vợ con phàn nàn, lo sợ ông bị trả thù, nên khuyên ông đừng nói mạnh thế.

“Tôi nói mạnh vì người dân người ta ức quá, người ta yêu cầu tôi nói. Tôi nhận được không biết bao nhiêu đơn từ. Có những lá đơn khiến tôi vừa đọc vừa khóc. Thương lắm”, ông xúc động nhớ lại. Ông quả quyết, đó cũng là lý do, là động lực khiến ông có những chất vấn, phát ngôn mạnh mẽ, quyết liệt trên diễn đàn Quốc hội. Ông không thể không bênh vực, đấu tranh cho người dân.

Ông nói "không phải tự kiêu nhưng đại biểu có khí chất bây giờ không nhiều lắm. Tôi biết thẳng thắn thì sẽ bị ghét, vợ con luôn canh cánh nỗi lo sợ bị trả thù. Tôi cứ về đến nhà là vợ con sợ, bởi người dân kéo đến đông quá. Về sau tôi không dám tiếp dân ở nhà, phải mời họ lên cơ quan. Nhưng tôi tuyệt nhiên không sợ, khi tôi nói đúng, làm đúng. Quốc hội còn biểu dương, chúc mừng tôi”, ông chia sẻ.

Ông cho rằng, trước đây hay sau này, thì phẩm chất của một đại biểu Quốc hội có lẽ không bao giờ thay đổi. Người đại biểu cần phải lắng nghe dân, nhìn ra được cái oan của dân, biết bảo vệ lẽ phải. Nhưng nghe thôi chưa đủ, muốn hiểu được phải gần họ, phải có sự tỉnh táo, nhạy cảm để kiểm tra những thông tin họ nói. Điều khiến ông lo lắng nhất là đại biểu Quốc hội có thực sự vì dân không?

“20 người đang chờ thi hành án tử đã được cứu xét”

Phương châm gần dân, lắng nghe dân đã giúp ông làm được một việc lớn trong nhiệm kỳ 5 năm làm đại biểu của mình, đó là câu chuyện cứu xét cho 20 người thoát được án tử hình. Ông dưng dưng nhớ lại: “Khi nhận được thư cầu cứu của người nhà những tử tù đó, tôi không khỏi băn khoăn. Liệu rằng trong số đó, ai oan, ai không, trường hợp nào bị xử quá nặng. Có những lúc mất ăn, mất ngủ, người nhà của các tử tù liên tục đến nhà tôi kêu khóc. Có người nửa đêm còn tới gào lên “bác Ngoạn ơi cứu con cháu với”.

Ông Đỗ Trọng Ngoạn bình dị giữa đời thường.

Càng nghĩ càng hoang mang, bởi đã bị tuyên tử hình nghĩa là tòa cũng đã phải xem xét, cân nhắc nhiều lắm, không dễ gì có thể lật lại. Ông quyết định tìm đến người bạn từng là đồng đội ở chiến trường, lúc đó đang giữ chức vụ cao ở ngành Tòa án, đặt vấn đề nhờ xét lại. Được bạn nhận lời, ông yên tâm hơn. Kết quả sau đó là có người không oan, có người oan thật, được cứu xét.

Rất nhiều người thân của 20 người được ông cứu, có người từ miền Nam ra, rồi ở các địa phương về mang quà đến cảm ơn. Nhận lời cảm ơn trong nước mắt của họ, ông đã khóc. “Tôi nhớ là họ kéo đến nhà tôi để cảm ơn đông lắm, công an phải cử người đến giữ trật tự. Có người tôi cương quyết không nhận quà, họ cứ ném vào nhà rồi bỏ chạy. Cuối cùng ông phải nhận, đó là một chiếc áo”, ông xúc động nhớ lại.

ĐBQH là những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Ông Ngoạn đã làm cho nhiệm vụ này rõ ràng, cụ thể và gần gũi hơn bao giờ hết. Ông lắng nghe, tiếp nhận và chuyển “tiếng nói của nhân dân” tới bộ máy nhà nước, tới các cơ quan công quyền.

Nếu tinh thần ông Ngoạn không phải là lòng yêu nước, thương dân thì quả thực cá nhân tôi không biết định nghĩa khái niệm này như thế nào nữa./.

Thanh Hà - Thi Uyên/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận