'Hệ thống pháp luật của Việt Nam liên tục được phát triển'

Dù còn văn bản quy phạm pháp luật chất lượng thấp vì mang nặng tư duy 'có lợi cho nhà quản lý', song hệ thống pháp luật của VN liên tục phát triển, thoàn thiện.

 

Đổi mới và tăng cường hoạt động lập pháp của Quốc hội là chủ trương lớn, một quá trình lâu dài, mang tính chiến lược. Thời gian qua, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã đạt được những kết quả to lớn. Năng lực lập pháp của Quốc hội không ngừng được tăng cường. Quy trình lập pháp được cải tiến một bước, việc phân tích chính sách ngày càng được chú trọng. Chất lượng và số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày càng tăng lên. Tình trạng “luật ống”, luật khung ngày càng giảm.

Các văn bản pháp luật được Quốc hội ban hành không chỉ phản ánh đúng yêu cầu của cuộc sống, giải quyết được những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra mà còn phát huy được những ý nghĩa tích cực trong cuộc sống.

Có thể thấy, thời gian qua, công tác lập pháp của Quốc hội được người dân quan tâm theo dõi nhiều hơn. Điều đó cho thấy, Quốc hội gần dân hơn, không khí nghị trường đã theo sát hơn với đời sống của nhân dân, của xã hội, của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Báo - Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, công tác lập pháp của Quốc hội để lại ấn tượng nổi bật với cử tri và nhân dân cả nước, thể hiện rõ trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của những nhà lập pháp, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

“Hệ thống pháp luật của Việt Nam liên tục được phát triển, hoàn thiện, nhất là hệ thống pháp luật về kinh tế, xã hội, lao động, quyền con người, quyền công dân… được thay đổi để phù hợp với các chuẩn mức quốc tế; đã từng bước thực hiện công khai, minh bạch các thiết chế quản lý, đặc biệt có cơ sở pháp lý thúc đẩy và tôn trọng quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Báo nói.

Các luật được ban hành nhìn chung đã đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước. Tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động lập pháp được coi trọng, thể hiện rõ qua việc xây dựng, thảo luận, thông qua luật, pháp lệnh. Vai trò của nhân dân đối với hoạt động lập pháp ngày càng được đề cao, sự tham gia của nhân dân vào hoạt động lập pháp ngày càng nhiều. Việc tiếp thu các thành tựu lập pháp và giá trị tiến bộ của nhân loại trong quá trình lập pháp của Quốc hội được chú trọng.

Luật sư Phạm Trí Trung ở chi nhánh công ty luật trách nhiệm hữu hạn Baker and McKenzie tại Hà Nội cho rằng, luật có hiệu quả thực thi là một trong yếu tố góp phần quan trọng để người dân sống tuân thủ và chấp hành nghiêm pháp luật và pháp luật được thượng tôn.

“Việc ban hành luật góp phần điều chỉnh hành vi hiệu quả hơn về mặt thực thi là phải làm theo luật, thậm chí có thể phát triển tới mức tự động làm giống như ý thức của bản thân”, luật sư Trung nêu rõ.

Theo GS, TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, công tác lập pháp của Quốc hội Quốc hội khóa XIV đã đạt được những thành tựu đặc biệt quan trọng. Hoạt động lập pháp của Quốc hội được thực hiện một cách sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng các dự án luật được thông qua, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Đại biểu tham dự kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV cho ý kiến với một dự án luật (Ảnh: Quốc hội)

“Quốc hội sau quá trình đổi mới đã nâng tầm chất lượng hoạt động, ngày càng phải quyết định các vấn đề rất trọng đại của đất nước, những vấn đề vô cùng phức tạp, khó khăn, đặc biệt trong hoạt động lập pháp, những dự án luật rất mới, với tư duy rất mới cho thấy Quốc hội có năng lực, tầm nhìn đưa ra những quyết định đúng đắn”, GS, TS Trần Ngọc Đường chia sẻ.

Cần tiên lượng những vấn đề phát sinh

Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động lập pháp của Quốc hội vẫn còn nhiều bất cập như tiến độ xây dựng luật và pháp lệnh còn chậm, chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao. Nhiều đạo luật vừa được thông qua, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện đã bộc lộ bất cập phải sửa đổi, bổ sung. Tình trạng nội dung luật chồng chéo chưa được khắc phục có hiệu quả. Theo chuyên gia pháp lý Hoàng Ngọc Dư, không ít văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng thấp vì vẫn mang nặng tư duy “có lợi cho nhà quản lý”.

Chuyên gia này cho rằng, việc giao cho mỗi ngành có chủ trương chủ trì xây dựng luật, mặc dù có thuận lợi là nắm được đặc điểm tình hình, quy định cụ thể nhưng mỗi ngành đều có tư tưởng tạo thuận lợi nhất cho ngành mình, chưa đảm bảo tính toàn diện. Cùng với đó là không tiên lượng được những vấn đề phát sinh sau khi luật có hiệu lực. Việc ban hành văn bản để thể chế không kịp thời.

Theo chuyên gia này, cần có một cơ quan độc lập chuyên nghiệp để thay mặt cơ quan ban hành cùng xây dựng, cùng thẩm tra đanh giá thì văn bản pháp luật mới đạt chất lượng.

Lập pháp là hoạt động khó, phải thể hiện rõ tính nhân dân và thực tiễn cuộc sống. Nhân dân phải được tham gia vào quá trình xây dựng luật, muốn đạt được điều đó, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật cần tiếp tục đổi mới, đảm bảo hiệu quả.

Luật sư Lê Hồng Hạnh - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, quy trình thủ tục phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam như một trình tự bắt buộc như hoạt động thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Đây là một yêu cầu tất yếu khách quan để thực hiện chức năng của MTTQ Việt Nam do Hiến pháp quy định, bảo đảm tính khách quan, khả thi, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tránh lợi ích nhóm, xa rời thực tiễn.

Theo luật sư Lê Hồng Hạnh, phải làm được việc luật được thông qua với yêu cầu dân chủ nhất, phản ánh tốt nhất lợi ích của nhân dân và khả thi đối với cuộc sống; Luật có cần không và tác động như nào đối với kinh tế xã hội./.

Đỗ Minh/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận