'Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng'

Công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ luôn được sự quan tâm của cán bộ, Đảng viên, quần chúng nhân dân. Đại hội XIII tiếp nối quyết tâm chính trị sâu sắc đó

 

Những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ luôn thu hút được sự quan tâm của cán bộ, Đảng viên và cả những quần chúng ngoài Đảng. Đại hội XIII đã tiếp nối quyết tâm chính trị sâu sắc của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII.

 

          Gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống"

 

          Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đánh giá: "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu". 

          PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ghi nhận: "Thành tựu lớn của Đảng ta sau 35 năm đổi mới chính là thành tựu xây dựng Đảng. Đại hội XII đã đưa ra Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng ta đã triển khai đồng bộ về chính trị tư tưởng phê bình tự phê bình, cơ chế, chính sách, giám sát, kiểm tra và phát huy vai trò của Mặt trận, của các đoàn thể chính trị tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đội ngũ cán bộ đảng viên có bước trưởng thành về tư tưởng chính trị, về đạo đức, về năng lực lãnh đạo. Chúng ta thực sự đi vào nhiệm vụ cấp bách: chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, chống lãng phí. Đặc biệt, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp đổi mới, công tác cán bộ là then chốt của then chốt".

          Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương -  phân tích: "Vấn đề xử lý nạn tham nhũng là vấn đề liên quan đến sự sống còn của Đảng và nhà nước ta. Trước đây Bác Hồ đã nói, tham nhũng là giặc nội xâm, thắng giặc ngoại xâm đã khó nhưng thắng giặc nội xâm lại còn khó hơn, vì giặc nội xâm ẩn khuất, lẫn lộn, trà trộn trong nội bộ chúng ta, trong đầu nỗi con người. Bác Hồ từng cảnh báo, chúng ta có thể thắng giặc ngoại xâm những có thế thất bại trước giặc nội xâm. Mọi sự tha hóa đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân. Sau này Đảng ta luôn thấy vấn đề này là nguy cơ có thể làm mất vai trò lãnh đạo của đảng bất cứ lúc nào. Đảng coi đây là quốc nạn, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tồn vong của Đảng và chế độ".

          Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII nêu rõ: "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Nhiều vấn đề phức tạp được đặt ra và thực hiện từ những năm trước nhưng hiệu quả còn thấp, trong nhiệm kỳ này đã có chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn"

          Công tác cán bộ trong một chiến lược tổng thể

 

           Theo ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương - khác với các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII không chỉ có Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng mà còn có Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII. "Nhiệm kỳ ĐH XII là nhiệm kỳ đặc biệt quan tâm, đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trong ĐH XIII này được xác định là phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương IV khóa XII bằng những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Hai chữ “hơn nữa” thể hiện một tinh thần, một quyết tâm chính trị của toàn Đảng". - Ông Nguyễn Đức Hà phân tích thêm.

             TS Vũ Trung Kiên - Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 2 - phân tích: "Trong lựa chọn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy", "Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Ðảng. Như thế là có tội với Ðảng, có tội với đồng bào". Trong đánh giá, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất công bằng, nhân văn và độ lượng. Người cũng chỉ rõ, chúng ta không sợ sai lầm, bởi "có làm việc thì có sai lầm" nhưng cái sợ nhất là sợ những người “không chịu sửa chữa sai lầm và khuyết điểm" và sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Đại hội Đảng, ngoài vấn đề xây dựng văn kiện về chính trị, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế, phát triển xã hội, chính sách quốc phòng, an ninh, ngoại giao thì có một vấn đề hết sức quan trọng đó là khâu tổ chức, nhân sự, con người".

         

"Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa" - Chủ tịch Hồ Chí Minh

          Dân là gốc

 

          Nhiệm vụ đầu tiên trong các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII chính là: "Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa".

          Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; còn ưu tiên tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

          Theo GS.TS Phan Xuân Sơn, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, một trong những yêu cầu căn bản là thấm nhuần quan điểm "dân là gốc" của Đảng. Cụ thể là: "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có nói: mọi chủ trương của Đảng đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Thứ nữa, người dân tham gia ngày càng đầy đủ, tích cực vào công việc của Đảng, Nhà nước. Thứ ba, Đảng phải dựa vào dân để xây dựng Đảng. Muốn có đảng viên từ nhân dân được nhận biết tích cực cần phải có phong trào lao động, sản xuất, học tập, chiến đấu từ nhân dân. Thông qua các phong trào đó để lựa chọn ra đội ngũ đảng viên. Thứ hai, cán bộ lãnh đạo của Đảng, công chức viên chức của Nhà nước cũng phải dựa vào dân. Dựa vào dân là làm sao phải dân chủ khi lựa chọn những người tiêu biểu bầu vào cơ quan đại diện, cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý Nhà nước."

 

"Nghị quyết 26 của nhiệm kỳ XII xác định tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Chúng ta phải hình dung đây là chiến lược cán bộ của thời kỳ phát triển mới, bởi những nội dung mà Nghị quyết của Trung ương đặt ra về công tác cán bộ không chỉ thực hiện trong thời gian ngắn mà trong một thời gian rất dài, đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045" 

- Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận