Ngày 14/3/2021, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu QH

Ngày 18/3/2021, Đoàn Chủ tịch UBT.Ư MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa 15

 

Sáng 26/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hướng dẫn quy trình, thủ tục giới thiệu người ứng cử đại biểu quốc hội khóa XV của các cơ quan Trung ương.

Theo hướng dẫn, quy trình, thủ tục giới thiệu người ứng cử đại biểu quốc hội khóa XV của các cơ quan Trung ương được thực hiện theo 3 bước.

Bước một là họp Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để dự kiến người giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Những người dự họp thảo luận về dự kiến giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu quốc hội để lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bước hai là tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

Việc tổ chức hội nghị nơi công tác hoặc nơi làm việc để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc đang làm việc.

Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.

Người đang công tác tại cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thì lấy ý kiến cử tri nơi công tác do Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị.

Về số lượng cử tri tham dự Hội nghị nơi công tác hoặc nơi làm việc để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội:

Những nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri, nhưng phải đảm bảo số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất 2/3 tổng số cử tri triệu tập.

Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức Hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại diện cử tri và phải đảm bảo ít nhất là 70 cử tri tham dự hội nghị.

Bước ba là Hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Tại hội nghị này, những người dự hội nghị thảo luận bằng sự tán thành của mình đối với từng người được giới thiệu ứng cử bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết: "Chậm nhất 17h ngày 14/3/2021, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa 15”.

Theo đó, các cơ quan Đảng được giới thiệu 10 đại biểu; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước 3 đại biểu; Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (là những Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương) là 133 đại biểu; Chính phủ, Cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an) là 15 đại biểu; Lực lượng vũ trang: Quân đội là 12 đại biểu, Bộ Công an 2 đại biểu; Tòa án nhân dân tối cao 1 đại biểu; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 29 đại biểu.

"Từ nay đến hết ngày 14 tháng 3 sẽ là các hội nghị các cơ quan, đơn vị giới thiệu người tham gia ứng cử và các đại biểu không phải là cơ quan, đơn vị tự ứng cử thì sẽ tiến hành làm hồ sơ và nộp hồ sơ đến Ủy ban bầu cử. Trên cơ sở kết quả đến ngày 14 tháng 3 kết thúc thì Mặt trận Tổ quốc các địa phương và Trung ương sẽ tiến hành tổ chức hội nghị Hiệp thương lần hai. Đây là một khối lượng công việc hết sức lớn nhưng hết sức quan trọng để lựa chọn được danh sách sơ bộ các đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp làm cơ sở quan trọng cho các bước tiếp theo”. - Ông Hầu A Lềnh cho biết.

Để thực hiện tốt các quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương trong quá trình tổ chức giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cần đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử; bám sát các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Đồng thời, việc giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cần đảm bảo đúng tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, Luật tổ chức Quốc hội và các quy định có liên quan về tiêu chuẩn, độ tuổi, sức khỏe..

Theo quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND, hồ sơ của người ứng cử phải nộp chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử 23/5/2021 (tức là vào ngày 14/3/2021).

Từ hồ sơ tiếp nhận, ngày 18/3/2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận