Những đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu, không thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình, thậm chí vắng mặt trong các phiên thảo luận hoặc các phiên biểu quyết; đại biểu cầm giấy đọc như đọc báo cáo; đại biểu còn có những phát ngôn mang tính bảo vệ bộ, ngành…. đó là những điều cử tri không mong muốn ở những vị đại diện của mình.
Những kỳ họp gần đây, hình ảnh các đại biểu Quốc hội tranh luận thẳng thắn, phản biện với người đứng đầu các Bộ, ngành, sẵn sàng đưa ra những câu hỏi gai góc, có chiều sâu, đa góc cạnh về một vấn đề, dám nói những ý kiến, kiến nghị của cử tri, đi đến những điểm nóng về an ninh trật tự, phân tích sâu sắc các lĩnh vực có tính chất chuyên ngành… đã khiến cử tri có niềm tin hơn vào hoạt động của các cơ quan dân cử.
Với việc tăng cường phát thanh truyền hình trực tiếp, thông tin nghị trường đến với cử tri kịp thời, cử tri dễ dàng giám sát và chấm “điểm” những vị đại biểu Quốc hội nào đã và đang dành năng lực, tâm huyết, trách nhiệm của mình khi nhận nhiệm vụ đại diện mà cử tri giao phó, có vì cử tri và nhân dân hay không. Từ thực tiễn, cử tri mong muốn, việc lựa chọn, giới thiệu các ứng cử viên viên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cần đặc biệt ưu tiên chất lượng, đảm bảo cơ cấu nhưng chất lượng cần đặt lên hàng đầu.
Có quan điểm cho rằng, cơ bản là chọn đầu vào, cứ theo cơ cấu anh A, anh B là khó tác dụng. Có nhiều đại biểu không dám phát biểu ý kiến vì không đủ trình độ, không tập hợp tình hình nên không dám phát biểu trên nghị trường.
Cho rằng, thực tế chất lượng đại biểu các khóa gần đây có chuyển biến tốt nhưng cử tri vẫn chưa thực sự yên tâm. Phải tranh luận mới ra vấn đề, mà muốn tranh luận đại biểu phải có trình độ. Có những đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu. Điều đó làm giảm chức năng nhiệm vụ, vai trò của Quốc hội.
Việc quy định cứng, một người gánh nhiều cơ cấu, đặc biệt phải là người dân tộc khiến địa phương gặp khó. Qua hiệp thương còn cho thấy tỷ lệ đại biểu đại diện cho cơ quan hành pháp hoạt động kiêm nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách, giới thiệu đại biểu trung ương nhưng không đưa số dư là những vấn đề đặt ra.
Bà Trần Thị Hoa Sinh, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng: "Một người gánh nhiều cơ cấu quá thì không đảm bảo được chất lượng. Công tác tổ chức cán bộ do Đảng làm, hiệp thương do Mặt trận, bầu do cử tri. Do vậy, làm thế nào chọn được đại biểu có kinh nghiệm, có năng lực là việc không đơn giản. Nên chăng trong cơ cấu mình giao cho địa phương linh hoạt chọn. Nếu không chọn được những người có kỹ năng, am hiểu hoặc là có tố chất hoạt động đại diện cho cử tri bầu ra thì rất tiếc bởi một khóa hoạt động là 5 năm. Ngoài ra phải tăng cường tuyên truyền cho cử tri hiểu về các ứng cử viên để lựa chọn cho đúng".
Theo dòng thời gian, nhiệm kỳ Quốc hội tiếp nối, nhưng trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội thì không có nhiệm kỳ. Người đại biểu không chỉ là người nói thay, cũng không phải là những báo cáo viên trước Quốc hội về những đề đạt, nguyện vọng của cử tri. Mục đích của tiếp xúc cử tri là để gần dân nhưng nếu chỉ gần dân mà không mang lại lợi ích cho dân thì người đại biểu chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Nhất là khi vẫn còn đó kiến nghị của cử tri và niềm tin của cử tri gửi gắm vào hoạt động của người đại biểu dân cử.
Làm tròn trách nhiệm với cử tri, nhân dân và đất nước, đôi lúc đòi hòi người đại biểu Quốc hội phải có bản lĩnh. Trước những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, với sự chủ động về tri thức, bên cạnh ý thức trách nhiệm luôn mang theo, bản lĩnh chính là cách để đại biểu thể hiện rõ chính kiến của mình, có những đóng góp sắc sảo và sâu sắc. Để có những đại biểu có tâm, có tầm, thực sự đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cần bắt đầu từ khâu đầu tiên, hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu các ứng cử viên.
Dấu ấn nghị trường trong nhiệm kỳ mới sẽ được tạo nên bởi chất lượng đại biểu Quốc hội. Điều này phụ thuộc không nhỏ vào quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, coi trọng chất lượng ngay từ quy trình hiệp thương trong bầu cử./.
Theo VOV.VN