Kỳ vọng 'Một Việt Nam trỗi dậy'

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore khẳng định thực tế này với VOV.

 

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Hà Nội kết thúc thành công sớm hơn dự kiến ban đầu cho thấy sự nhất trí cao của các đại biểu, thể hiện tinh thần trách nhiệm, truyền thống đoàn kết trong Đảng, khi quyết định những vấn đề trọng yếu của đất nước.

Người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam và kiều bào đã dõi theo sự kiện trọng đại này, cảm nhận sâu sắc diễn tiến từ Đại hội và tiếp tục kỳ vọng “một Việt Nam trỗi dậy” khi có bộ máy lãnh đạo mới, song song với vị thế mới, tầm ảnh hưởng mới mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng tạo dựng trong khoảng thời gian vừa qua. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore khẳng định thực tế này với VOV.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore.

Thưa ông, Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa kết thúc, xác định mục tiêu xây dựng nước Việt Nam ta “Phồn vinh - Hạnh phúc”. Ông cho rằng đâu là động lực để Đảng ta xác định những mục tiêu này?

Tôi nghĩ mục tiêu này Đảng ta đề ra là thực hiện khát vọng ngàn đời của ông cha ta. Đã đến lúc chúng ta hội tụ đủ sức mạnh để có thể thực hiện trong vòng 2 đén 3 thập kỷ tới. Tôi cho đây là mục tiêu rất sáng suốt Đảng ta đã lựa chọn. Với một sự nghiệp vĩ đại thì bao giờ cũng có ba động lực chủ đạo. Thứ nhất là xúc cảm dân tộc. Thứ hai là tinh thần khai sáng. Thứ ba là năng lực kiến tạo. Về xúc cảm dân tộc, Việt Nam có một sức mạnh vô song được chứng minh rất rõ trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Chúng ta đánh bại Nguyên Mông và các cường quốc lớn để giành lại độc lập tự do, luôn luôn giữ vững độc lập trong hàng nghìn năm lịch sử. Về tinh thần khai sáng, công cuộc đổi mới đã đưa Việt Nam đứng vào hàng đầu trong dòng chảy của thời đại. Các nước trong khu vực rất kính nể Việt Nam: tiến rất nhanh, nắm bắt cơ hội của thời đại, từ hội nhập thế giới đến cách mạng 4.0 và đang có những nỗ lực rất đặc biệt để tiến hành công cuộc đổi mới 2, sẽ kỳ vĩ trong thời gian tới. Về năng lực kiến tạo thì Việt Nam từ Đại hội Đảng XII đến nay đã có những bước tiến rất quan trọng, mặc dù còn chưa đáp ứng được yêu cầu để đưa đất nước phát triển thần kỳ, nhưng theo tôi đã có những dấu ấn quan trọng. Và Đại hội lần thứ XIII có thể mở ra những lộ trình mới để Việt Nam có thể có bước tiến vượt bậc.

Trên cơ sở những gì đã kiến tạo được, ông cho rằng đâu là động lực lớn nhất để chúng ta thực hiện được mục tiêu đã được Đảng đề ra, Đảng xác định là xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc?

Với Việt Nam, cốt lõi vẫn là ý chí dân tộc - đây là sức mạnh vô song khó ai sánh được với dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là khát vọng phát triển - đây là vấn đề sống còn của đất nước. Tôi trải nghiệm qua rất nhiều năm tháng - luôn luôn nghĩ đến những lời hiệu triệu của Bác Hồ trong Tuyên ngôn độc lập cũng như toàn quốc kháng chiến - thấy rằng mình dù ở đâu, dù làm gì cũng luôn luôn canh cánh tấm lòng với đất nước. Đại hội Đảng lần thứ XIII thổi bùng lên ý chí dân tộc mạnh mẽ và quyết liệt với tinh thần tất cả đứng lên để giúp đất nước trở thành một quốc gia hiện đại trong vòng 1/4 thế kỷ tới. Tôi nghĩ là sẽ có những bước tiến rất kỳ vĩ.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc thành công sớm hơn dự kiến. Ảnh: TTXVN

Ông từng kỳ vọng về một Việt Nam đổi mới tư duy, thức dậy tầm nhìn. Nay ông đã vừa khẳng định nhiệm kỳ XII đã có những sự hiệu triệu, thổi bùng lên ý chí dân tộc. Vậy cụ thể hơn, với nhiệm kỳ XIII, ông hy vọng sẽ có chuyển biến mạnh mẽ - tạo đột phá như thế nào?

Đúng là sau khi Đổi mới 1, chúng ta đã thức dậy về tư duy. Thế còn với Đổi mới 2 bắt đầu từ 2016 đến 2045 thì tôi coi là sự trỗi dậy về tầm nhìn. Trỗi dậy về tầm nhìn này giống như thời kỳ cải cách Minh Trị của Nhật Bản, đó là sự khai sáng rộng khắp - mọi người đều có ý thức đưa dân tộc tiến lên. Mọi người đều chăm chăm kiến tạo những phương cách để đuổi kịp các nước phương Tây. Việt Nam hiện giờ đã bước vào cái thời kỳ cất cánh như vậy. Vậy đâu là những bước đột phá? Theo tôi, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú xứng đáng với tầm vóc của dân tộc là rất quan trọng. Nó không chỉ thể hiện sự tận tâm của cán bộ, công nhân viên trong hệ thống Chính phủ mà còn là tính chuyên nghiệp và tính ưu tú của bộ máy và khả năng phát huy sức mạnh tổng lực. Thế thì trong thiết kế cụ thể có vấn đề rất lớn từ mô hình tăng trưởng. Ví dụ, nếu chúng ta chỉ quyết tâm tăng xuất khẩu, không hẳn là đúng. Xuất khẩu của chúng ta tăng rất nhanh nhưng làm sao để tăng được giá trị gia tăng của mỗi 100USD xuất khẩu quan trọng hơn. Hay ví dụ dồn tiền vào đầu tư hạ tầng cơ sở - rất chuẩn, nhưng mà dồn tiền vào đâu thì phải coi trọng các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn quan trọng khác - phải ở đẳng cấp với các thành phố thế giới, thì mới có thể tạo giá trị gia tăng, đặc biệt cho nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của đất nước. Đây là những vấn đề có tính thiết kế, đòi hỏi phải có sự bàn bạc rất kỹ để đưa ra những quyết sách cụ thể.

Ông vừa nhấn mạnh: Việt Nam đã bước vào thời kỳ cất cánh rồi, cần phải xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú nữa. Điều này khó khăn như thế nào hay chúng ta đang ở trong giai đoạn cất cánh rồi có nghĩa chỉ toàn là những điều thuận lợi?

Đấy là câu hỏi rất hay! Theo tôi nghĩ thì Việt Nam ta bước vào giai đoạn cất cánh và cơ hội rất là lớn. Thế nhưng nhiều khi chúng ta bỏ qua những thách thức cốt tử và chưa chú trọng vào những vấn đề nền tảng, cho nên bước đi nó chưa được nhanh như chúng ta kỳ vọng. Tôi chia sẻ hai kinh nghiệm mà tôi quan sát được. Một là kinh nghiệm của Singapore vào những năm 80 - giống như ta năm 2020. Ông Lý Quang Diệu nhận thấy sự chồng chéo và thiếu tính tổng lực của bộ máy Chính phủ - khi cơ hội mở ra rất là nhiều, nó làm hạn chế khả năng đi lên mạnh mẽ - khi đất nước đã có những thành công nhất định. Ông Lý Quang Diệu yêu cầu đội ngũ chuyên gia nghiên cứu thấu đáo cấu trúc và phân bổ trách nhiệm cho Chính phủ Singapore hiện tại và đối chiếu với mô hình các quốc gia thành công trên thế giới, để đề xuất một thiết kế mới và khuyến nghị chi tiết các cải tổ căn bản, để xây dựng bộ máy công quyền ưu tú cho Singapore. Với sự đóng góp thấu đáo của các bộ, ngành, của Chính phủ lúc đó, mọi người đồng thuận rất cao, và tiến hành cải cách bộ máy công quyền, cho nên việc Chính phủ Singapore từ năm 1982 - không chỉ hiệu quả và sức mạnh, của bộ máy quản lý mà cả sự tận tâm và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ nhà nước, trở thành gương sáng cho cả thế giới học tập. Kinh nghiệm thứ hai, qua gặp gỡ, nói chuyện với ông Park Hang Seo - huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam. Trước đây đội hay bị sa lầy vào cá độ hay những toan tính cá nhân. Ông Park Hang Seo nhận thấy sức mạnh tiềm ẩn của các cầu thủ là ý chí dân tộc và khả năng cộng hưởng. Người Việt Nam mạnh lên khi có sự cộng hưởng, thế là ông chú trọng tuyển chọn những cầu thủ có những phẩm chất này. Ông chọn không phải cầu thủ đá hay nhất mà là cầu thủ giúp cho đồng đội mình phấn khích hơn, đá hay hơn, có tính cộng hưởng cao hơn. Đây là những tiêu chí lựa chọn người tài. Người tài là đem lại giá trị cho đồng đội chứ không phải người tài là vì có thành tích quá khứ hay cá nhân. Những điều này Việt Nam cần lưu ý học hỏi trong xây dựng bộ máy công quyền ưu tú thời gian tới.

Thưa ông, thực tế Đảng ta đề ra mục tiêu: đến năm 2045 (dấu mốc kỷ niệm 100 năm Việt Nam độc lập), Việt Nam sẽ là một nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, hành trình 25 năm tới, về mặt chính sách, ví dụ như chính sách xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao hay chính là bộ máy công quyền ông vừa nêu, rõ ràng cần được hoạch định có trọng tâm, trọng điểm?

Đấy lại là một bài toán thiết kế rất lớn mà tôi mong muốn sau Đại hội Đảng lần thứ XIII với một đội ngũ lãnh đạo mới, rất khát khao đưa đất nước tiến lên những bước vượt bậc trong thời gian tới thì việc xây dựng bộ máy công quyền cần cần chú ý không chỉ dựa vào nguồn nhân lực giỏi mà ở cả ba khâu. Khâu thứ nhất là cải cách thể chế, giống như tôi nói, làm sao để phân định các bộ, ngành, địa phương nó rõ ràng, minh bạch và để cho người dân giám sát toàn diện. Thứ hai, về mặt tổ chức làm sao để cho người tài nhất đứng đầu và chịu trách nhiệm. Không làm được thì cũng tự nguyện xin nghỉ, giống như là rút ra khỏi đội bóng thôi chứ không phải là phải đến lúc tham nhũng rồi mới lôi ra. Và thứ ba mới là phát triển nguồn nhân lực. Ba khâu này phải đồng bộ. Một thể chế, một tổ chức còn ọp ẹp mà rải thảm đỏ để thu hút một vài người giỏi về chưa giải quyết vấn đề gì. Đấy là những bài toán có tính nguyên lý mà chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm của thế giới cũng như nắm bắt khoa học kỹ thuật để giải quyết bài toán này. Thứ hai là phải rất chú trọng xây dựng một chiến lược phát triển. Tôi thực sự cảm kích khi thấy dấy lên tinh thần tầm nhìn 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển năm 2045, các địa phương và các doanh nghiệp đều có thảo luận và đều mong muốn mình nắm lấy những sứ mệnh tiên phong trong nỗ lực kỳ vĩ này.

Thưa ông, cũng còn 1 vấn đề nữa: Trước đây chúng ta coi cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt nhưng đã chậm trễ trong quá trình triển khai, thực hiện rồi. Giờ đây, “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng lần thứ 4 - dứt khoát không được chậm trễ, không được bỏ lỡ cơ hội này”. Đó là quyết tâm của các cấp, các ngành cho đến những lãnh đạo cấp cao nhất. Quyết tâm là vậy, còn đâu là những vấn đề cốt lõi để ta thực hiện công cuộc đổi mới này hiệu quả, hay chính là những vấn đề ông vừa nêu?

Tôi thấy đây là vấn đề cốt lõi thể hiện xem chúng ta có thể nắm bắt được cơ hội của thời đại đến đâu để đưa đất nước tiến lên. Rất may mắn ngay trong năm 2020 Chính phủ đã đưa ra nghị quyết rất quyết liệt về vấn đề này. Thế nhưng, rõ ràng, trong thiết kế cụ thể để nắm bắt khoa học công nghệ, đặc biệt cách mạng công nghệ 4.0 và các xu thế thời đại để đưa đất nước tiến lên, theo tôi phải đặt ba câu hỏi lớn trước khi chi tiền làm một việc gì đó. Trước hết, phải thấy rằng, đưa khoa học kỹ thuật vào là để giải quyết những bài toán khó nhất trong cuộc sống mà chúng ta đang đương đầu, chẳng hạn năng suất lao động thấp hoặc là vấn đề nhũng nhiễu, tham nhũng hay kiểm soát môi trường, chất lượng của các thành phố, quản lý còn yếu. Có ba câu hỏi luôn luôn phải đặt ra. Thứ nhất, đâu là cách tiếp cận công nghệ trong giải quyết bài toán này, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0? Thứ hai, đâu là kinh nghiệm hay nhất của thế giới - chúng ta phải mở tầm nhìn ra toàn thế giới chứ không phải chỉ giải quyết bằng bài toán của ta? Thứ 3, đâu là vướng mắc then chốt mà Việt Nam cho đến nay vẫn chưa áp dụng hai lời giải hay này? Khi biết thấu đáo những vấn đề này, cùng thảo luận và cùng đưa ra những lời giải thay vì đưa ngay, vội vã một quyết sách cụ thể chi bao nhiêu, tiền, làm gì ra sao và chờ hái quả là không có. Những bài toán nay hết sức thực tế và được giám sát chặt chẽ của toàn dân và các doanh nghiệp đồng thuận để thấy được thành quả của từng bước một. Tạo ra đà thắng lợi của từng việc nhỏ, mới tạo ra thắng lợi lớn, thay vì làm những cái quá tham vọng mà thực sự không có kết quả cụ thể.

Những điều này, theo ông, nên huy động sức mạnh nội lực - sức mạnh tổng lực như thế nào?

Tôi nghĩ Việt Nam là một trong những quốc gia rất đặc biệt trong thế kỷ 21 này, tức là có khả năng khai thác sự cộng hưởng: hội nhập với thế giới, làm lợi hơn cho thế giới nhưng cũng được lợi từ thế giới. Việt Nam là mô hình mà mọi người thấy đặc biệt. Nguồn lực của Việt Nam hiện giờ trỗi dậy rất mạnh không phải chỉ từ nội lực mà sự cộng hưởng với thế giới. Một giá trị cộng hưởng đặc trưng cho sự tiến hóa của thế kỷ 21 này. Việt Nam trong hội nhập với thế giới, kết hợp với lại Mỹ, EU, Trung Quốc và Đông Nam Á đều đã thể hiện là một dân tộc có trách nhiệm, và đã có những cố gắng vượt bậc để từ một địa vị rất thấp, mà Việt Nam bây giờ có một vị thế rất đáng vị nể. Đó không phải chỉ là nỗ lực vươn lên ích kỷ mà thực sự Việt Nam thể hiện mình là một quốc gia có trách nhiệm với thế giới. Những điều Việt Nam làm được có lợi cho thế giới. Hiện giờ, Việt Nam đang có những nỗ lực để xây dựng Đông Nam Á đứng hàng thứ tư, thứ năm trên thế giới trong thời gian tới, ngang ngửa sự vươn lên trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và sẽ là một đối tác tin cậy với các nước phương Tây trong phát triển. Tôi muốn nhấn mạnh tính chất cộng hưởng của dân tộc Việt Nam với thời đại, với thế giới trong nỗ lực đi lên - thành một quốc gia phát triển trong vòng 25 năm tới.

Thưa ông, ông kỳ vọng gì ở bộ máy nhân sự mới - bộ máy lãnh đạo của nhiệm kỳ XIII, để làm thế nào không chỉ là huy động được sức mạnh mà còn có sức bật thực sự là lớn để thực hiện được những mục tiêu đặt ra?

Tôi cảm thấy rất hy vọng vì lựa chọn nhân sự lần này phải nói Đảng làm rất kỹ - lựa chọn những con người tôi rất quý và khâm phục - Ưu tú! Mọi người nói kỹ trị có, ý chí dân tộc có và tính thực tế có - hiểu rất rõ là phải làm gì! Và đặc biệt đội ngũ này đồng đều, bổ trợ lẫn nhau, có tính cộng hưởng. Trước hết bản thân trong nội bộ cũng có tính cộng hưởng, đấy là điều đáng mừng. Tôi thấy sự đồng thuận của xã hội và của người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều hãng thông tấn nước ngoài hỏi tôi, đều kỳ vọng Việt Nam sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian tới và sẽ có một đội ngũ lãnh đạo xứng tầm với dân tộc.

Thưa ông, mới chỉ một năm trước, với rất nhiều tín hiệu tích cực trong mọi mặt chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội…, cũng trên các kênh sóng VOV, ông nhận định rằng “nước ta đang có thời cơ tốt để tiến tới phồn vinh”. Giờ đây - trải qua 1 năm biến động vì Covid-19 với “điểm sáng kinh tế, xã hội Việt Nam trên bình diện quốc tế”, chúng ta cũng vừa có một bộ máy lãnh đạo mới sau một kỳ đại hội, ông có cho rằng đây là sức mạnh cộng hưởng để hành trình “Phồn vinh - Hạnh phúc” tới sớm hơn?

5 năm qua và đặc biệt năm 2020 là những mốc son, Việt Nam để lại ấn tượng rất tốt đẹp với thế giới thế. Đây cũng là đặc điểm: dân tộc Việt Nam có khát vọng rất lớn, vươn lên, qua thử thách thì càng chói sáng hơn nữa. Nếu chúng ta đặt ra những kỳ vọng càng cao, dân tộc càng mạnh mẽ đi tới. Thế thì năm 2020 thể hiện sức mạnh tuyệt vời của dân tộc Việt Nam: từ sức mạnh thể chế đến gắn kết xã hội đến ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Là người Việt Nam sống ở nước ngoài tôi thấy rất cảm kích. Bây giờ nghĩ về Việt Nam thì không phải chỉ là mảnh đất của kỷ niệm yêu thương nữa mà còn là nơi gửi gắm sự hy vọng, tự hào và muốn sát cánh để cùng dân tộc, cùng đất nước, cùng người dân, đồng bào mình đi lên, trong vòng 25 năm tới. Đấy là bước ngoặt lớn nhất năm 2020. Đây là điều may mắn nhất cho thế hệ hôm nay!

Trân trọng cảm ơn ông!

THU TRANG thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận