Sáng 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 sau khi phát hiện 82 ca mắc mới trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh.
Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là diễn biến mới tại Hải Dương và Quảng Ninh, khi xuất hiện những ca lây nhiễm cộng đồng sau 55 ngày không có ca nhiễm mới. Đây là tình huống đã từng diễn ra và với diễn biến mới này, Việt Nam sẽ cương quyết hơn, kịp thời hơn, thái độ dứt khoát hơn với biện pháp mạnh mẽ hơn trong ứng phó dịch.
“Sau khi nghe báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế, tôi đề nghị phải công khai, nhưng không để người dân hoang mang bằng cách phổ biến kịp thời các biện pháp, quyết liệt và cụ thể của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế trong phòng, chống dịch thời gian qua. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế, 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh phải chủ động các biện pháp quyết liệt, như truy vết và khoanh vùng. Tôi đề nghị tiếp tục các biện pháp mạnh mẽ để khoanh vùng, cách ly, truy vết thần tốc và dập dịch trên diện rộng”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Báo cáo chi tiết các ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trường hợp mắc COVID-19 ở Hải Dương được phát hiện ngày 27/1 sau khi Bộ Y tế nhận được thông tin từ phía Nhật Bản về ca mắc nhập cảnh vào Osaka. Giải trình tự gene đã xác định đây là chủng mới virus SARS-CoV-2 tại Anh xuất hiện từ cuối năm 2020, với khả năng lây lan 70%.
Ngay từ trưa 27/1, Bộ Y tế đã cử ngay các đoàn công tác gồm lãnh đạo và chuyên gia chống dịch của 3 đơn vị, bao gồm Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tới Hải Dương hỗ trợ địa phương triển khai điều tra, giám sát dịch tễ và các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng, chống dịch.
Bộ Y tế và các địa phương đã lập tức vào cuộc thần tốc. Sau đêm 27 đến sáng 28/1, các lực lượng y tế và lực lượng chức năng đã khoanh vùng, xác định các đối tượng lấy mẫu. Xác định đây là biến chủng virus, với tốc độ lây lan nhanh, nên mức độ khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu được tiến hành rộng hơn và mạnh hơn, Bộ Y tế đã cử gần như toàn lực xuống hỗ trợ Chí Linh, Hải Dương, tương tự như cuộc chi viện cho Đà Nẵng.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, nhờ hành động nhanh, lấy mẫu xét nghiệm nhanh các đối tượng F1 và F2 ngay trong đêm 27/1, đến nay đã xác định 72 ca dương tính/138 trường hợp xét nghiệm, trong đó có BN 1552 được công bố sáng 27/1. Đây là bệnh nhân nữ, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, là công nhân công ty TNHH POYUN, có địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân có giao tiếp gần với bệnh nhân nữ được phát hiện dương tính sau khi nhập cảnh Osaka (Nhật Bản).
Ban Chỉ đạo xác định, đây là lần đầu tiên Việt Nam xác định có số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng lớn trong ngày, bởi do virus biến chủng lây lan nhanh, song cũng thể hiện phản xạ và năng lực ứng phó nhanh nhạy, kịp thời của Việt Nam trong khoanh vùng, truy vết và xét nghiệm.
Với trường hợp tại Quảng Ninh, từ một ca mắc (BN 1553 - nam, 31 tuổi, là nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn, có địa chỉ thường trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), các lực lượng đã truy vết không chỉ F1 mà còn F2, F3 và xác định 10 ca mắc.
“Tôi đề nghị các lực lượng tiếp tục tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ứng phó thần tốc. Vì chủng virus mới lây lan rất nhanh, trong khi Việt Nam có biên giới đường bộ, đường biển rất dài và rộng. Do đó, nguy cơ dịch xâm nhập rất thường trực. Tôi một lần nữa đề nghị tất cả các địa phương rà soát lại toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, nâng cao các biện pháp lên một bước khi Tết Nguyên đán đến gần”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh.
Các thành viên ban Chỉ đạo thống nhất tại tất cả các sân bay, các điểm giao thông công cộng đông người, tất cả các cơ sở y tế, trường học, nhà máy, công sở, khu chợ phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, người đứng đầu các địa phương, các cơ quan phải trực tiếp kiểm tra, đánh giá tình hình, xác định an toàn mới cho hoạt động. Đồng thời người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch./.
Ngọc Thành - Hoàng Lê - Trọng Phú/VOV.VN