Thịnh vượng là sự giàu có của nhân dân chứ không chỉ tập trung ở một nhóm người.
Suốt một tuần nay, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo xa xôi, đâu đâu trên dải đất hình chữ S cũng rợp màu cờ đỏ, đâu đâu cũng rực lên một niềm tin. Hàng triệu, triệu người dân Việt Nam ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều hướng về một sự kiện trọng đại của đất nước: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chính thức khai mạc sáng nay 26/1 tại Thủ đô Hà Nội.
Tin tưởng, kỳ vọng là cảm xúc chung, rất thật của số đông. Tin tưởng là bởi Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra vào thời điểm đất nước vừa đi qua một nhiệm kỳ “lịch sử” đầy khó khăn, thử thách mà ở đó nếu Đảng không thật sự vững vàng, quyết liệt, nếu Chính phủ không hành động vì dân, nếu không phát huy được tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo của gần 100 triệu dân thì chúng ta không thể có được những thành quả to lớn như ngày hôm nay.
Kinh tế tăng trưởng liên tục trong 4 năm đầu của nhiệm kỳ và ngay cả năm 2020, dù thiên tai, dịch bệnh tàn phá nặng nề, dù đặt mục tiêu “sức khỏe của nhân dân” lên trên hết nhưng Việt Nam vẫn trở thành điểm sáng trong bức tranh u ám toàn cầu. Thành quả đó không chỉ thể hiện bằng những con số tăng trưởng mà còn hiện diện trong chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm xuống và tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên. Thành quả ấy là chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng, uy tín quốc tế không ngừng tăng lên, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước được giữ vững.
Đạt được những thành quả đó trong bối cảnh thế giới đầy phức tạp, nghi kỵ và chia rẽ mới thấy hết niềm tin của nhân dân là hoàn toàn có cơ sở.
Nhiệm kỳ “lịch sử” ấy cũng ghi dấu bằng cuộc đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng trong nội bộ đảng để làm trong sạch đội ngũ, giữ vững niềm tin trong nhân dân. Thông điệp “lò đã nóng thì củi tươi vào cũng cháy” đã khẳng định quan điểm nhất quán: không ai có quyền vi phạm các quy định của Đảng, đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật, dù người đó từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, từng là Anh hùng hay tướng lĩnh. Cụm từ "chưa bao giờ" được nhân dân nhắc đến đầy ấn tượng khi nói về cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn đảng trong nhiệm kỳ qua.
Với năm 2020 - năm cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm cũng là năm thử thách nhiều nhất vai trò của người cầm lái. Cái tên Việt Nam được bạn bè nhắc đến với tất cả sự khâm phục, ngưỡng mộ. Nhắc đến Việt Nam không chỉ bởi mô hình chống dịch hiệu quả mà trên hết là lòng tin của người dân đối với Đảng, Chính phủ, là truyền thống đoàn kết trên dưới một lòng, là tính ưu việt của chế độ XHCN.
Những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ khóa XII là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề cho những nhiệm kỳ tiếp theo.
Đại hội Đảng lần thứ XIII không chỉ hoạch định tương lai đất nước trong 5 năm sắp tới mà còn có tầm nhìn dài rộng 25 năm sau. Dự thảo Văn kiện đề ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao...
Đại hội cũng sẽ bầu chọn một Ban lãnh đạo mới vừa tài, vừa đức, trong đó đức là gốc, để gánh vác công việc hệ trọng của đất nước.
Hơn 2 năm để chuẩn bị đường lối phát triển đất nước, hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, hơn 2 năm để chuẩn bị nhân sự, sàng lọc và lựa chọn kỹ càng, qua nhiều khâu, nhiều bước. Dù là dự thảo văn kiện hay nhân sự thì cũng phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn, trong đó có những bài học đắt giá về phát triển kinh tế- xã hội, về công tác cán bộ. Tất cả cũng đều hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21. Trên con đường hướng tới sự thịnh vượng đó phải đi qua các nấc thang nhưng đó phải là những nấc thang bền vững.
Thịnh vượng không phải bằng cách đánh đổi tất cả để đạt mục tiêu tăng trưởng, khai thác tối đa “rừng vàng, biển bạc”, biến của công thành của riêng để giàu lên nhanh chóng, tư duy nhiệm kỳ, tầm nhìn ngắn hạn, tập trung phát triển kinh tế mà coi nhẹ văn hóa, đạo đức xã hội… Thịnh vượng phải dựa trên sự phát triển bền vững, dựa trên đổi mới, sáng tạo, dựa trên cải cách thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Thịnh vượng là sự giàu có của nhân dân chứ không chỉ tập trung ở một nhóm người.
Hơn 90 năm qua, 13 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một dấu mốc quan trọng của Đảng và đất nước. Đại hội XIII đánh dấu 35 năm thực hiên công cuộc đổi mới đất nước với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
“Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”- lời nói đầy tự hào của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã thắp lên niềm tin, hy vọng của toàn dân về con đường đi lên của đất nước.
Đại hội diễn ra vào tháng đầu tiên của năm mới 2021, cũng là lúc nhân dân ta đang chuẩn bị đón Tết nguyên đán Tân Sửu - mà như người Việt thường tâm niệm: Đó là thời khắc để suy nghĩ, để chiêm nghiệm những gì đã qua, kỳ vọng và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.
Những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 không dễ khắc phục trong thời gian ngắn, những khó khăn, thách thức khó lường vẫn đang ở phía trước. Song, với những thành quả chúng ta đã đạt được trong nhiệm kỳ "lịch sử" vừa qua, với niềm tin mà nhân dân dành cho Đảng thì nhất định chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra, xây dựng Tổ quốc Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thịnh vượng hơn. Và nhất định, sự thịnh vượng đó phải thật sự bền vững./.
Quốc Phong/VOV.VN